15/02/2018 08:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Mùa “ăn năm uống tháng, mùa nghỉ ngơi”, mùa các lễ, hội dày đặc được coi như là mùa Tết của người Tây Nguyên. Chúng kéo dài từ tháng 11 cho đến hết tháng 3 của năm sau.
Khi mưa rừng đã tạnh hẳn, nắng vàng vừa đủ làm hồng đôi má, long lanh ánh mắt các cô gái của mọi buôn, bon, kon, plei của miền cao nguyên đất đỏ, cũng là lúc mùa màng đã xong, lúa vàng mẩy hạt đã chất đầy các kho lúa - sang mdiê - hạt bắp no tròn lủng liểng trái treo kín dọc xà nhà sàn, là mùa “Ăn năm uống tháng - hoă blăm mnăm thun”, hay là “tháng nghỉ ngơi - khai ning nơng” cũng đến với mọi nhà.
Kết thúc rồi một mùa rẫy vất vả. Lương thực đã đủ để con người nghỉ ngơi tìm đến nhau, không chỉ vui chơi giải tỏa cả tâm trạng lẫn thân thể sau khi trải qua một mùa vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có một vụ thu hoạch no đủ; mà còn là lúc phải tạ ơn các vị Yang linh thiêng ban cho một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, nước mát lành cho cây cối, vạn vật sinh sôi, con người sống an nhiên tự tại giữa sự bình yên của núi rừng.
Cũng là khi phải chúc sức khỏe cho cha mẹ đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhiều hơn nữa là những lễ trưởng thành cho con trẻ tới tuổi thành niên, sửa ngôi nhà sàn hay làm nhà rông mới sau khi đã chuẩn bị đủ đầy tranh tre nứa lá và cột kèo….
Mùa “ăn năm uống tháng, mùa nghỉ ngơi”, mùa các lễ, hội dày đặc ấy coi như là mùa Tết của người Tây Nguyên, sẽ kéo dài từ tháng 11 cho đến hết tháng 3 của năm sau - thời điểm chuẩn bị một mùa rẫy mới.
Một số gia đình có thể cúng sớm ngay từ lúc suốt được gùi lúa chín vàng đầu tiên. Lúa dùng để cúng Yang phải do người phụ nữ chủ gia đình tự tay gieo trồng một đám riêng, làm cỏ và ngắt (suốt) những bông đầu tiên, nấu nồi cơm mới trong chiếc nồi đồng nhỏ dùng để cúng, dâng lên các vị Yang linh thiêng, để tỏ lòng thành kính.
Thông thường, các già làng, thày cúng và trưởng các dòng họ sẽ tụ tập lại nhà chủ buôn, bon, kon, plei, khề khà gật gù bên ghè rượu cần đắng ngọt để bàn chuyện tiến hành các lễ, hội, nhà nào trước, nhà nào sau, cho ai ai cũng tham gia được.
Việc của một nhà là việc của cả làng, tùy điều kiện mà góp của cải hay công sức. Đó là truyền thống của người Tây Nguyên. Sẽ có các lễ ăn cơm mới của người Ê Đê, Sê Đăng, K’Ho hoặc lễ rước hồn lúa của người M’Nông, lễ mở cửa, đóng cửa kho lúa của người Bâhnar… Để cảm tạ thần bến nước, lễ cúng bến nước thường song hành cùng lễ cúng sức khỏe cho chủ làng, người có công tìm ra nguồn nước ngọt mát, trong lành cho cộng đồng. Ngoài ra, còn có lễ cúng thần rừng để các đội vào mùa săn bắn…
Chuẩn bị các lễ này cả buôn phải dọn dẹp sạch sẽ trong và ngoài buôn lẫn bến nước. Họ cúng chung, rồi ăn chung bữa ăn cộng cảm. Có những việc đã chuẩn bị rất lâu, chỉ đợi đến khi thu hoạch xong mùa màng, đầy đủ lương thực, thực phẩm để đãi đằng cả làng, cả dòng họ là tiến hành, như dựng nhà rông, sửa chữa hay làm ngôi nhà mới, bỏ mả cho người đã đi về cõi ông bà vài năm, cưới hỏi cho gái trai đã đến tuổi thành đôi… liên tục nối nhau, nên thành “mùa” là thế.
Lễ vật chuẩn bị cho các cuộc hiến sinh, dâng tặng, nhỏ thì những con gà, vịt, heo, lớn hơn hoặc được mùa có khi là vài con trâu, bò… cũng đã được các nhà chuẩn bị trước từ trong năm. Các loại măng đắng, măng ngọt lớn nhỏ được gùi từ rừng về, muối sẵn từng hũ lớn. Trái đu đủ, dọc cây môn, cà đắng, ớt cay… các loại rau quen thuộc cũng trĩu nặng những chiếc gùi từ rẫy về làng để chế biến những món ăn đặc trưng của ngày lễ. Và tất nhiên không thể thiếu rượu cần và âm điệu rộn ràng của các dàn ching chêng. Tiếng ching luồn qua rừng già, gọi những vòng suang uyển chuyển của gái trai “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa” nối bước chân nhau theo nhịp điệu rộn ràng… Tết của người miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên xưa là thế đấy.
* * *
Ngày nay, với sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ sản xuất lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày hoặc cây lúa nước, những lễ hội truyền thống gắn với nông lịch hay vòng đời đều còn rất ít. Được sự động viên và hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể, nhiều năm nay ở mọi vùng, bà con đều ăn tết Nguyên đán theo tập quán chung của người Việt.
Chuẩn bị đón Tết, bà con cũng dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng lại nhà cửa với những bức tranh, tờ lịch có hình ảnh, sắc màu ấm áp. Hầu như nhà nào cũng sắm cho con trẻ tấm áo mới, gói bánh tét, nấu xôi bằng gạo thơm mới, chuẩn bị sẵn vài con gà, thậm chí những con heo giống bản địa thịt ngọt thơm, chắc nịch đã được nuôi sẵn từ vài tháng trước đó, mua một ít các loại mứt, bánh kẹo, bia, nước ngọt, chị em phụ nữ làm vài ché rượu cần nhỏ, để có một bữa ăn đoàn tụ gia đình, nghỉ ngơi sum họp vài ngày cùng con cái đi làm xa trở về.
Đồng thời chào đón khách xa, khách gần đến thăm hỏi. Không chỉ có gia đình, bạn bè, người thân, mà cả chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng hình thành tập quán thăm hỏi bà con dân tộc các ngày Tết, tạo một không khí đầm ấm, thân thiện. Mấy năm gần đây, đời sống kinh tế khá hơn, nhiều gia đình, dòng họ thuê xe, tổ chức những chuyến du lịch thăm thú các miền vài ba ngày, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết… là những lựa chọn. Đó là những nét mới trong Tết ở Cao Nguyên.
Tuy không phong phú, hấp dẫn như những lễ hội truyền thống xưa kia, nhưng không khí Tết Nguyên đán ở Tây Nguyên cũng rộn ràng và đầm ấm.
Linh Nga Niê Kdam
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất