23/12/2016 16:35 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - So với các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam bộ, Kiên Giang, có lợi thế vượt trội về phát triển du lịch biển - đảo; trong đó đảo Hòn Sơn, một kiệt tác thiên nhiên, đang khơi mở nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Điều làm nên sức hấp dẫn, thu hút du khách đến nơi đây chính là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành... Cùng với đó là những bãi biển đẹp với cát vàng, cát trắng quyện hòa trong làn nước xanh trong như: Bãi Nhà, Bãi Xếp, Bãi Bàng, Bãi Bộ, Bãi Bấc, Bãi Giếng, Bãi Thiên Tuế… Hòn Sơn còn có đường quanh đảo và xuyên đảo, suối nước, cầu cảng Bãi Nhà và Bãi Bấc, đỉnh núi Ma Thiên Lãnh cao nhất Hòn Sơn, đỉnh Ông Rồng, Đá Bàn…
Tại khu vực Hòn Sơn còn có đình thần Nguyễn Trung Trực, đình Nam Hải, miếu Bà chúa Hòn, dinh ông Nam Hải, chùa Hải Sơn tự, tượng Phật Lộ thiên… với các lễ hội truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tất cả đã tạo nên một Hòn Sơn giàu tiềm năng phát triển du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú.
Ông Đặng Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết: Tiềm năng du lịch Hòn Sơn đang được khai mở, đầu tư phát triển. Trên địa bàn xã hiện có 15 nhà nghỉ với hơn 120 phòng, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách khi đến Hòn Sơn.
Trong năm 2016, Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính Lại Sơn đón hơn 10.000 lượt du khách, cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, nhưng du lịch Hòn Sơn đã "ghi tên mình" vào bản đồ du lịch Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Vũ Thành Đạt, du khách đến từ thành phố Hải Phòng chia sẻ: Trước khi đến Hòn Sơn, anh biết đến hòn đảo này nổi tiếng với nghề làm nước mắm cá cơm truyền thống mang nhãn hiệu nước mắm Hòn. Sản phẩm đặc trưng đó đã đi vào câu ca: “Nước mắm Hòn dầm con cá bẹ - Bởi mê nước mắm Hòn, em trốn mẹ theo anh”.
Ấn tượng của anh Đạt khi đến Hòn Sơn là được băng rừng, vượt núi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh có độ cao hơn 400 mét so với mặt nước biển, với nhiều câu chuyện kỳ bí còn lưu truyền. Đứng tại đỉnh núi này, du khách có thể ngắm núi rừng xanh ngắt, những rặng dừa hòa điệu cùng âm thanh sóng biển như một khúc tình ca của đất trời vang lên dạt dào cảm xúc. Ngoài khơi xa, những chiếc thuyền đánh cá nhấp nhô trên mặt biển lam xanh, lúc ẩn, lúc hiện, gợi nhiều xúc cảm.
Chưa có những khách sạn hiện đại, nhà hàng sang trọng, dịch vụ cao cấp, du lịch Lại Sơn hiện nay được tổ chức theo mô hình du lịch gia đình, thân thiện với du khách. UBND xã Lại Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật làm du lịch gia đình, cung cách phục vụ du khách cho doanh nghiệp, hộ gia đình đang đầu tư phát triển du lịch.
Chị Nguyễn Hồng Cúc, chủ nhà nghỉ Hồng Cúc ở ấp Bãi Nhà B, xã Lại Sơn chia sẻ: Bước đầu làm du lịch chị rất bỡ ngỡ, nhưng được tham gia lớp tập huấn du lịch của xã tổ chức kết hợp với rút kinh nghiệm thực tế hằng ngày nên nhà nghỉ của chị đã phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Khách đến thuê phòng nghỉ, đặt ăn tại gia đình, thuê xe hai bánh đi quanh đảo, đến các bãi tắm, tham quan các đình chùa trên đảo; giá cả dịch vụ được niêm yết, không có tình trạng “chặt chém” du khách.
Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch, xã đảo Lại Sơn được Trung ương và tỉnh Kiên Giang đầu tư nhiều dự án, công trình trọng yếu. Đ ường quanh đảo với chiều dài khoảng 15 km, vốn đầu tư 127 tỷ đồng và đường xuyên đảo dài hơn 4 km, vốn đầu tư 111 tỷ đồng được hoàn thành đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của cư dân và du khách. Tại xã Lại Sơn cũng có 2 cầu cảng là Bãi Nhà và Bãi Bấc được đầu tư xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế thủy sản, thương mại, du lịch.
Cuối tháng 11 vừa qua, đường dây 110 kV vượt biển, cấp điện quốc gia cho xã đảo Lại Sơn tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng được đưa vào vận hành trong niềm vui, hạnh phúc của khoảng 2.000 hộ dân trên đảo với hơn 8.000 người được sử dụng điện lưới quốc gia. Cùng với đó, công trình hồ chứa nước ngọt thể tích 80.000 mét khối , vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ nước sinh hoạt cho cư dân xã đảo Lại Sơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn Đặng Ngọc Hường cho biết: Du lịch Lại Sơn đang đứng trước cơ hội để phát triển. Thời gian từ thành phố Rạch Giá đến với Lại Sơn và ngược lại được rút ngắn còn khoảng 90 phút bằng phương tiện tàu cao tốc hiện đại, an toàn, ngày càng có nhiều du khách tìm đến.
Hai dự án trọng yếu gồm điện lưới quốc gia và hồ chứa nước ngọt là mơ ước bao đời của cư dân đảo Hòn Sơn, xã Lại Sơn, nay đã trở thành hiện thực. Hai dự án này cùng với những công trình hạ tầng kỹ thuật khác đã và đang được đầu tư xây dựng trên đảo không những làm thay đổi đáng kể diện mạo của xã đảo, mà còn góp thêm sức mạnh nội lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển cho địa phương, trong đó du lịch là điểm nhấn.
Cùng với đó, Khu du lịch Bãi Bàng tại Bãi Bàng, đảo Hòn Sơn đang chờ được phê duyệt xây dựng; xây dựng nhà hàng khách sạn trên biển ở Bãi Bộ kết hợp với những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Tắm biển, lặn ngắm san hô, du thuyền ngắm cảnh, câu cá, chinh phục và khám phá đỉnh Ma Thiên Lãnh... đưa Hòn Sơn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Để phát triển du lịch đảo Hòn Sơn bền vững, thời gian tới, xã Lại Sơn tập trung mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng biển - đảo; tiếp tục tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống nhà nghỉ, đường giao thông...
Trước mắt, Lại Sơn thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch gia đình thân thiện gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến đảo... để Hòn Sơn là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách - Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn Đặng Ngọc Hường khẳng định.
TTXVN/Lê Huy Hải
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất