Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xuất hiện bệnh tay chân miệng

08/05/2014 10:36 GMT+7 | Thế giới



(lienminhbng.org) - Trong khi dịch sởi đang diễn biến phức tạp, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch tay chân miệng đã bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lây lan nhanh. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn chủ yếu rơi vào trẻ ở độ tuổi mầm non, đòi hỏi công tác phòng chống dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục và cộng đồng.

Tái nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần

Vài tuần gần đây, tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện ngày càng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 ca điều trị nội trú. Dù bệnh viện đã dành 4 phòng của khoa để điều trị bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nhưng do số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng quá đông, số lượng giường bệnh không đủ nên bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí có giường phải ghép đến 3-4 trẻ/giường bệnh. Ngay cả khu dịch vụ của khoa cũng kín giường điều trị nội trú. Hành lang của bệnh viện được người nhà tận dụng làm chỗ nghỉ ngơi chật kín lối đi.

Bị sốt cao liên tục kèm nổi mụn bọc nước ở tay, chân, bé Gia Khiêm (19 tháng tuổi, ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám và phát hiện bị bệnh tay chân miệng. Theo chị D.T.M.Lệ (mẹ của bé Gia Khiêm), bé có thể bị lây bệnh trong thời gian về quê và thường chơi đùa, nghịch bẩn với bùn đất. Tuy nhiên, tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện thêm bé bị nhiễm não mô cầu. Sau 5 ngày nhập viện, điều trị, tình hình sức khỏe của bé cũng đã ổn định, bé đã có thể chơi đùa.

Các bác sĩ khám cho bệnh nhi

Trong phòng điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng, chị L.T.T.Vy (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) đang lo lắng về tình hình bệnh của cậu con trai 11 tháng tuổi. Tuy chưa được một tuổi, nhưng con trai của chị bị bệnh tay chân miệng lần này đã là lần thứ 2. Theo chị Vy, khoảng 2 tháng trước, cháu cũng mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là sốt cao và phải nằm viện điều trị 1 tuần mới dứt bệnh. “Mấy hôm trước bé nổi mấy cái bọc nước, thấy hiện tượng khác lạ gia đình tôi đưa bé vào đây khám thì các bác sĩ nói bị tay chân miệng. Do bé không bị sốt mà chỉ có nổi ban hồng nhiều nên bác sĩ cho thuốc về nhà theo dõi để hạn chế lây chéo các bệnh khác. Tuy nhiên, tới đêm ngày 5/5, bé không ngủ được, bứt rứt, khó chịu nên sáng ngày 6/5, tôi đã đưa bé vào tái khám và bác sĩ bắt phải nhập viện.”- chị Vy nói.

Ghi nhận tại 2 bệnh viện nhi của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp tái nhiễm bệnh tay chân miệng với các triệu chứng và mức độ bệnh khác nhau. Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện nay, bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị và thuốc dự phòng, vì vậy trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần. Nếu trẻ từng bị tay chân miệng nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân tay chân miệng thì khả năng trẻ bị tái mắc lần 2, lần 3,… là chuyện bình thường. Khi trẻ tái nhiễm tay chân miệng vẫn phải theo dõi từ đầu để có biện pháp điều trị. Không có chuyện trẻ mắc bệnh tay chân miệng lần sau sẽ nhẹ hơn lần trước.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong thời gian gần đây, khoa Nhiễm của bệnh viện hàng ngày tiếp nhận và điều trị nội trú cho 30-40 trường hợp mắc bệnh tay cân miệng, các trường hợp mắc bệnh phải điều trị ngoại trú cũng đang tăng lên. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận 2 ca biến chứng tay chân miệng độ 3, bị tổn thương thần kinh, phải thở máy. Tay chân miệng có nhiều nhóm siêu vi gây bệnh, có trường hợp bị 3-4 lần, thậm chí là nhiều hơn. Trong đó, nhóm siêu vi EV71 là nặng nhất, có khả năng gây tử vong khá cao. Vì vậy, cách phòng chống bệnh duy nhất là phải giữ gìn vệ sinh và hạn chế lây nhiễm ở các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ động phòng ngừa dịch tay chân miệng

Ghi nhận từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua thành phố đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 11, tỷ lệ mắc tay chân miệng cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều rơi vào trẻ em ở độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trường hợp mắc tay chân miệng biến chứng nặng phải lọc máu và tử vong.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, qua phân tích tình hình dịch bệnh tay chân miệng qua các năm cho thấy: hiện nay thành phố đang ở đợt cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng đầu tiên của năm (còn một đợt nữa sẽ rơi vào khoảng tháng 9-10). Diễn biến của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm cũng cho thấy tình hình dịch bệnh tay chân miệng không có gì khác so với các năm trước. Vì vậy đây là thời điểm để ngành y tế tập trung để phòng ngừa dịch bệnh này.

Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, khó khăn nhất của việc phòng chống dịch tay chân miệng là chưa có vắc xin phòng ngừa chính. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng đường lây khá rộng, vừa từ đường hô hấp (nước bọt, ho,…), vừa qua đường tiêu hóa. Đồng thời, bệnh này thường gặp ở lứa tuổi mầm non, ở độ tuổi này bản thân trẻ chưa biết giữ vệ sinh cho mình, cũng như chưa biết cách hạn chế lây lan cho người xung quanh. Vì vậy, việc phòng ngừa nhiễm bệnh cần phải được thực hiện chủ động từ gia đình.

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bác sĩ Nguyễn Trần Nam lưu ý, quan trọng nhất là phải cách ly trẻ hoàn toàn cho đến khi lành bệnh mới cho đi học trở lại. Đồng thời, phụ huynh cần báo lại ngay với nhà trường và địa phương để chủ động trong công tác phòng chống dịch lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc vệ sinh phải thực hiện làm sao để hướng dẫn bé có hành vi đúng về mặt vệ sinh như, không đưa tay vào miệng, không ngoáy mũi, ho phải biết che miệng,… để tránh lan các siêu vi gây bệnh và phải thường xuyên rửa tay cho trẻ cũng như người chăm sóc trẻ phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Hiện tại, để hạn chế tình trạng lây chéo trong bệnh viện, hai bệnh viện nhi của Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cách ly giữa các bệnh tay chân miệng, sởi,… Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, khu sởi và tay chân miệng được bố trí cách ly hoàn toàn giữa người bệnh và thân nhân nuôi bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, từ ngày 10/5-10/6/2014, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện Tháng vệ sinh, khử khuẩn đồng loạt ở các địa phương, nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh như: tay chân miệng, sốt xuất huyết,… lây lan rộng ở cộng đồng.

Hứa Chung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm