Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ 2 bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016

23/03/2017 13:10 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Index) được công bố chiều 22/3, ở bảng xếp hạng của các cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công, Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ 2.

Đứng đầu là Đài Truyền hình Việt Nam, thứ ba là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam…

Trong khi đó, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu danh sách bảng xếp hạng tại các tỉnh, thành phố. Hà Nội sau hai năm đứng thứ 3 đã “soán” vị trí thứ 2 từ "tay" Thành phố Hồ Chí Minh khiến địa phương này đứng thứ 3 trong năm 2016. Một số tỉnh “tụt hạng” như Bắc Ninh từ xếp thứ 4 năm 2015 đã xuống thứ 18 năm 2016; Thái Nguyên từ thứ 6 năm 2015 xuống 22 năm 2016.


Người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công khai sinh/khai tử trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: T.H/Vietnam+

Trong khi đó, tại xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, Bộ Tài chính xếp thứ nhất, kế đó lần lượt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Về kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số sản xuất kinh doanh công nghệ thông tin, Hà Nội đứng thứ 1, sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh…

Vietnam ICT Index do Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Hội Tin học Việt Nam thực hiện. So với mọi năm, báo cáo này cải tiến mạnh mẽ về hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nhằm đảm bảo bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Báo cáo được kết cấu theo hệ thống chỉ tiêu của Liên Hợp quốc gồm 3 chỉ số thành phần chính gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin.

Phát biểu tại buổi công bố, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho hay, năm 2016, Vietnam ICT Index có sự tham gia xếp hạng của 24 bộ, ngành; 63 địa phương; 29 ngân hàng thương mại và 21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Đây cũng là năm đầu tiên các đơn vị xây dựng và công bố Chỉ số sản xuất kinh doanh công nghệ thông tin của 63 địa phương. Ông Khả cho rằng đây là việc làm ý nghĩa khi công nghiệp công nghệ thông tin là một ngành ngày càng đóng vai trò quan trọng vào nền kinh tế cả về doanh thu, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động…

Trung Hiền - Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm