Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến phố cổ Hội An lội nước thăm hỏi người dân sau bão số 12

07/11/2017 20:04 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Chiều 7/11, từ Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) để kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 12.

Đi bộ dọc phố cổ Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình mưa lũ, hỏi thăm, động viên người dân.

Sau đó, Thủ tướng có cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Chú thích ảnh
Ảnh VGP/Quang Hiếu

Báo cáo của UBND TP Hội An cho biết, trong 3 ngày 5, 6 và 7 tháng 11/2017, do mưa lớn kéo dài, kết hợp thủy triều dâng cao, nhân dân thành phố Hội An đã và đang trải qua cơn lũ kéo dài (đỉnh lũ được ghi nhận là 3,17m lúc 1h30 sáng ngày 6/11, trên mức báo động III là 1,17m).

Theo ghi nhận của Trạm thủy văn Hội An vào lúc 15 giờ 40 phút ngày 7/11, mực nước đo được là 2,32m, trên mức báo động III là 0,32m.

Nước lũ đang xuống chậm. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam thì tối nay mực nước lũ tại Hội An giảm còn 2,1 m trên mức báo động III là 0,1m.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc nhanh với lãnh đạo Hội An, Quảng Nam. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhờ thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, cùng sự chủ động ứng phó và kinh nghiệm sống chung với lũ qua nhiều năm của chính quyền địa phương và nhân dân Thành phố, đến giờ này, Thành phố chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, phục vụ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC, trước mắt, UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vi liên quan chủ động phối hợp Công ty CP Công trình công cộng thực hiện dọn bùn và rác theo phương châm “nước rút đến đâu, dọn vệ sinh đến đó”; đồng thời, vận động nhân dân chủ động dọn vệ sinh trong nhà và ngoài phố.

Bắt đầu từ ngày mai, cùng với sự hỗ trợ của Quân khu V (500 chiến sĩ), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam (80 chiến sĩ), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh Quảng Nam (50 chiến sĩ), Công an tỉnh Quảng Nam, chính quyền thành phố chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, biên phòng và toàn thể nhân dân chủ động phân nhóm dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.

Tập trung quyết liệt khắc phục hậu quả mưa lũ

Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân tỉnh Quảng Nam do bão số 12 gây ra khi hiện nay, mực nước nhiều con phố vẫn ở mức báo động 3, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của tỉnh Quảng Nam, TP Hội An, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm lương thực, nước uống cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An cùng các ngành chức năng huy động mọi lực lượng, nhất là quân đội, công an, thanh nhiên và nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa bão để sớm ổn định cuộc sống, hoạt động trở lại bình thường.

Là một trong những khu vực tổ chức các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện phương châm nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh, môi trường đến đó, không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không làm gián đoạn việc học hành của học sinh.

Với tinh thần tập trung quyết liệt, công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại phố cổ Hội An là việc làm cấp bách để bảo đảm cho du khách, nhất là các đại biểu dự APEC đến thăm, Thủ tướng đề nghị không để phố cổ Hội An bị phá vỡ do nước dâng; tiếp tục trình cơ chế, chính sách để trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa Hội An.

Chú thích ảnh
Ảnh VGP/Quang Hiếu

* Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa vào khoảng từ 5-6 h ngày 4/11, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Trong những ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500-600 mm, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700 mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven sông suối.

Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên lên nhanh; trên sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) có thể xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999; sông Thu Bồn tương đương lũ lịch sử năm 2007.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực này có thể sẽ tiếp tục có mưa rất to trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và sạt lở đất, lũ quét tại miền núi; ngập lụt sâu trên diện rộng, chia cắt cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà, động viên người dân. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương

Chiều 6/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 12.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau bão số 12 là lũ lụt lớn, gây thiệt hại nặng nề tính mạng và tài sản của nhân dân 9 địa phương miền Trung và Tây Nguyên; sau lũ lụt là nguy cơ dịch bệnh, thiếu đói. Bão số 12 cường độ cao, diện rộng kéo dài, nhưng công tác chỉ huy ứng phó đã được thực hiện tốt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống lụt bão, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã kịp thời dự báo, đi chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường để hạn chế tối đa thiệt hại. Công tác dự báo có tiến bộ, công tác điều tiết hồ chứa được làm tốt, không có hồ nào bị vỡ, đây là bài học kinh nghiệm tốt. Công tác chỉ đạo chủ động, nhiều giải pháp sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an.    

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp, các ngành trong việc ứng phó, khắc phục thiệt hại bão 12. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước chia sẻ những thiệt hại của nhân dân; chia buồn, gửi lời thăm hỏi đến những gia đình bị thiệt hại, thân nhân những người bị nạn.

Chú thích ảnh
Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, dự kiến mỗi tỉnh khoảng 500 tấn gạo, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nhẹ mỗi tỉnh khoảng 100 - 200 tấn, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với một số bộ, ngành liên quan sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khôi phục đời sống nhân dân; dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, không lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất", sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhất là bảo đảm tổ chức tốt sự kiện APEC.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại; các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; lực lượng Quân khu 5 dừng việc huấn luyện để tập trung khắc phục giúp nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ;...

Bên cạnh đó, các bộ có chức năng phải trực tiếp đi xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, ví dụ, Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm giao thông thông suốt, không bị ách tắc; Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa cần thiết; Bộ NN&PTNT tổng hợp, đề xuất hỗ trợ giống các loại để cho vụ Đông.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đi sâu đi sát hỗ trợ địa phương trong lúc khó khăn này. "Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 12; ứng phó khẩn cấp mưa lũ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, hạn chế thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo vệ tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân. Chủ động cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, khuyến cáo người dân trong các hoạt động khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao cần có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn, rà soát để bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

Tiếp tục rà soát cập nhật, triển khai các phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chỉ đạo, huy động lực lượng quân đội, công an, các lực lượng tại chỗ, các tổ chức đoàn thể khắc phục hậu quả bão số 12, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chính sau: Tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người, phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được, nhất là những người bị nạn trên các tàu vận tải bị sự cố tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với những hộ có người bị chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa (nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách), không để người dân thiếu đói, không có nơi trú ngụ, đặc biệt là khu vực bị thiệt hại nặng ven biển.

Bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; tổ chức sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế, hệ thống điện, đường giao thông để sớm ổn định các hoạt động và sinh hoạt của người dân.

Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão, lũ, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu; phối hợp vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Chỉ đạo chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất sau bão, lũ phù hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới.

Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương khôi phục nhanh hệ thống điện, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão, mưa lũ vừa qua, bảo đảm nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống điện; phối hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo.

Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, cứu nạn thuyền viên của các tàu vận tải bị sự cố tại Quy Nhơn; phối hợp với các cơ quan và địa phương có liên quan tổ chức trục vớt phương tiện bị chìm đắm, thanh thải luồng lạch bảo đảm giao thông. Chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ. Phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng khẩn trương khôi phục thông tin liên lạc sau bão, lũ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để bảo đảm khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 bố trí tăng cường quân số hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 12, trong đó có các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khắc phục hậu quả sau bão, tập trung hỗ trợ Nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, sửa chữa trường lớp, cơ sở y tế, vệ sinh đường phố,...; chỉ đạo các quân khu, lực lượng quân sự địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư, ứng phó với mưa lũ khi được yêu cầu.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình hình phức tạp xảy ra sau bão, lũ; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó với mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Huy động lực lượng hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão số 12. Tiếp tục phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo vệ môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu từ các tàu vận tải bị chìm đắm tại vùng biển Quy Nhơn.

Rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ở khu vực nguy hiểm do mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng để cập nhật, đưa tin kịp thời về các hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; diễn biến và dự báo mưa lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ theo quy định.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi, cập nhật, báo cáo kịp thời về tình hình thiệt hại, kết quả khắc phục hậu quả bão số 12 của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tỷ phu Jack Ma: Đề nghị Tập đoàn Alibaba mở một gian hàng quốc gia Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tỷ phu Jack Ma: Đề nghị Tập đoàn Alibaba mở một gian hàng quốc gia Việt Nam

Sáng 6/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jack Ma Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính Phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm