Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quảng Ninh cần có chiến lược phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn

24/05/2020 15:00 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Sáng 24/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh – địa phương được coi là điểm sáng phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Bắc và cả nước với những kết quả nổi bật cả trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

Quảng Ninh đứng đầu về cải cách hành chính và hài lòng của người dân

Quảng Ninh đứng đầu về cải cách hành chính và hài lòng của người dân

Sáng 19/5, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.

Nhiều lĩnh vực dẫn đầu cả nước

Tháng 5/2020 dồn dập những niềm vui lớn phản ánh nỗ lực liên tục của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội. Theo kết quả công bố ngày 5/5 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh giành được cúp quán quân trong bảng xếp hạng danh giá này...

Mới đây, ngày 19/5, Quảng Ninh lại tiếp tục đón nhận các tin vui. Đó là đứng đầu Bảng xếp hạng các chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) và chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) năm 2019 theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh có được vị trí đứng đầu toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính và năm 2019 cũng là năm Quảng Ninh xuất sắc vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng sự phục vụ hành chính của các cấp chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp, vượt 6 bậc so với năm 2018 - một chỉ số mà theo các nhà quản lý là rất khó đạt điểm cao...

Không chỉ là năng động, hiệu quả trong phát triển kinh tế (đứng trong top 5 toàn quốc về thu nộp ngân sách), Quảng Ninh còn mạnh dạn, quyết liệt trong đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch. Đây cũng là địa phương điển hình trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược...

Thời gian qua, địa phương vùng Đông Bắc này có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 11% trong giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.135 USD (năm 2020 ước đạt 6.500 USD), cao gấp đôi bình quân chung cả nước.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Cơ cấu kinh tế của vùng đất mỏ Quảng Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển từ “nâu” sang “xanh” khi đóng góp của ngành than vào tăng trưởng có xu hướng giảm dần, từ 21,3% trong cơ cấu GRDP năm 2015 xuống còn 17,3% năm 2020 (năm 2019 là 18,2%).

Dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên hiện có 7.587 phòng, tăng 68% so với năm 2015. Số lượng khách du lịch năm 2019 đạt 14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 5,75 triệu lượt, chiếm trên 41%. Thu ngân sách của Quảng Ninh cũng luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2019 đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72,3%.

Một trong những dấu ấn của Quảng Ninh là phát triển kết cấu hạ tầng với hàng loạt dự án như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn dài 120 km (cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2022), cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt hơn 123.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 62% tổng vốn đầu tư.

Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trên cơ sở kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”. Theo đó, tỉnh đã thực hiện 44 dự án với tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy cứ 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách. Mới đây, tỉnh đã tung ra gói kích cầu du lịch trị giá 200 tỷ đồng để kích hoạt lại du lịch nội địa.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Cần có chiến lược phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tỉnh có đường biên giới dài, đông người nước ngoài sinh hoạt và du lịch.

Đặc biệt, Thủ tướng nhận xét Quảng Ninh là địa phương năng động, “dám nghĩ dám làm” với đa dạng các hình thức đầu tư; nhờ đó, có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn tới đầu tư, kinh doanh. Quảng Ninh đã tăng trưởng mạnh, toàn diện; khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển  kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Bắc của đất nước. Đặc biệt, trong 5 năm qua và những tháng đầu năm 2020, tỉnh đã triển khai toàn diện nhiệm vụ của nhiệm kỳ; thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và thu chi ngân sách.

Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Ninh có bước đột phá trong phát triển đô thị, đạt trên 65% và là tỉnh thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công đầu tiên của cả nước. Bộ máy hành chính gọn, mạnh, dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Trong phát triển, tỉnh cũng chú ý nhiều hơn đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị gắn với công tác cán bộ được chú trọng.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về việc khởi động du lịch mạnh mẽ của Quảng Ninh sau dịch COVID-19; đồng thời đánh giá cao Quảng Ninh về thành tựu trong xây dựng hạ tầng với những công trình lớn, đặc biệt là hệ thống cao tốc bằng hình thức đầu tư PPP.

Song, tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh không “thỏa mãn non” với thành tích đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, quy mô đóng góp kinh tế của Quảng Ninh đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước vẫn còn thấp. Trong khi đó, tỉnh là địa phương có nhiều lợi thế về diện tích đất đai; còn nhiều dư địa về tài nguyên, di sản, vùng đất, vùng trời, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Bên cạnh đó, thương mại biên giới phát triển chưa bền vững; thu hút FDI chưa có nhiều đột phá. Nguồn nhân lực của tỉnh mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Khoảng cách phát triển giữa các vùng còn lớn mặc dù tỷ lệ nghèo vẫn thấp. Đến nay, Quảng Ninh cũng chưa phải địa phương được công bố là tỉnh nông thôn mới. Vấn đề quản lý tài nguyên, môi trường chưa thực sự hiệu quả. Hiệu lực quản lý Nhà nước còn hạn chế, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức và năng lực lãnh đạo của một số tổ chức, cấp ủy còn chưa đạt yêu cầu đặt ra, cần tiếp tục quan tâm. Liên kết vùng vẫn là khâu cần cải thiện.

Với những phân tích cụ thể đó, Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh tiếp tục “đi tiên phong” trong thời gian tới phải phấn đấu là trung tâm phát triển không chỉ của Vùng Đông Bắc mà là cả phía Bắc, vừa là phên dậu Tổ quốc vừa đóng góp mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Nhấn mạnh Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng lớn cho phát triển từ tài nguyên thiên nhiên đến hạ tầng hiện có, Thủ tướng nêu rõ, thách thức của Quảng Ninh và cả nước không chỉ là cạnh tranh toàn cầu mà còn phải “vượt lên chính mình” trên cơ sở nhu cầu của thị trường theo xu hướng mới với những điều kiện mở rộng về giá trị an toàn, tôn trọng tự nhiên…

Thủ tướng mong muốn tỉnh cần có chiến lược phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn để đón đầu thời cơ mới bằng những lối đi, cách làm bài bản, quyết liệt nhất là trong 7 tháng còn lại và nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh.

Gợi ý những hướng đi cụ thể, Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh chú trọng phát triển đội ngũ doanh nghiệp có quy mô, chất lượng tốt hơn; tiếp tục phát triển đô thị hiện đại, thông minh bởi đây là kênh tăng trưởng quan trọng. Đi liền với đó là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới vì vẫn còn một bộ phận người dân của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tiếp tục mục tiêu giảm nghèo. Thủ tướng tán thành và nhấn mạnh đến kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh từ giáo dục ở các bậc học phổ thông đến Đại học, giáo dục dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.  

Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Ninh phải tập trung chuẩn bị và tiến hành tốt Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đi đôi với tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành, khai trương một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như: Khánh thành cầu Bài Thơ và tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn tại thành phố Hạ Long; khai trương khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh tại thành phố Cẩm Phả do Tập đoàn Sun Group đầu tư. Đây là khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Bản đầu tiên của Việt Nam (có tên Yoko Onsen Quang Hanh).

Dự án mở rộng cầu Bài Thơ và đường Trần Quốc Nghiễn (đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả) có chiều dài 4,7km, được khởi công vào tháng 7/2019, với tổng vốn khoảng 1.300 tỉ đồng. Tuyến đường này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách, mà còn tạo điểm nhấn về cảnh quan cũng như mang lại một loạt các tiện ích khác như: Khu vui chơi, bãi đỗ xe, bãi tắm, khu thể dục thể thao. Đồng thời kết nối với các điểm du lịch trên tuyến, như: Núi Bài Thơ, Bảo tàng, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... tạo thành hệ thống các điểm đến du lịch đồng bộ trên địa bàn.

Quang Vũ - Văn Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm