02/07/2018 21:38 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) về việc trả lương hưu cho người lao động bị tù giam và buộc thôi việc trước ngày 1/1/1995.
Về chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Sinh, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì từ ngày 1/1/2016 trở đi, những người đang chấp hành hình phạt tù giam nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được ủy quyền cho người khác làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu; những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì vẫn được tiếp tục chi trả lương hưu cho thời gian chấp hành hình phạt tù.
Cụ thể, đối với những người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2015: Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc, người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp hiện đang hưởng trợ cấp hằng tháng và người bị đình chỉ hưởng bảo hiểm xã hội do vi phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây”.
Đối với những người bị phạt tù giam hoặc bị buộc thôi việc từ trước ngày 1/1/1995: Theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “Việc tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân”. Theo đó, người bị phạt tù giam hoặc bị buộc thôi việc trước ngày 1/1/1995 sẽ không được tính thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội.
Trong thời gian qua, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá và làm cơ sở kiến nghị, đề xuất phương án giải quyết đối với các trường hợp bị phạt tù giam hoặc buộc thôi việc trước đây. Qua báo cáo kết quả rà soát, đánh giá, cho thấy việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội ở mỗi giai đoạn là khác nhau và dựa trên đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi thời kỳ, chính sách bảo hiểm xã hội trước năm 1995 mang tính đãi ngộ của Nhà nước và cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình.
Ở thời điểm đó, người lao động nếu vi phạm kỷ luật bị buộc thôi việc hoặc vi phạm pháp luật bị phạt tù giam thì toàn bộ thời gian công tác trước đó sẽ không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu đặt vấn đề xem xét, giải quyết lại chế độ đối với những người bị buộc thôi việc hoặc bị phạt tù giam ở giai đoạn trước đây là không công bằng với chính những người có cùng hoàn cảnh như vậy, đến nay đã qua đời hoặc không còn nhiều thời gian để hưởng chính sách. Mặt khác, những trường hợp như vậy cho đến nay đã trải qua hơn 20 năm, hồ sơ giấy tờ thất lạc, không còn đầy đủ cũng là những hạn chế nếu như xem xét, giải quyết lại chế độ đối với họ. Vì vậy, việc kiến nghị, đề xuất với Quốc hội sửa đổi quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để xem xét hồi tố mang tính đại trà đối với tất cả các trường hợp người lao động trước đây là không khả thi và sẽ tạo ra những so sánh bất hợp lý mới.
Tuy nhiên, trên thực tế đối với những trường hợp đặc biệt như đại biểu nêu, đó là trường hợp người lao động bị phạt tù giam nhưng quá trình công tác có nhiều cống hiến với cách mạng; những người bị thi hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc nhưng sau đó được xem xét hạ mức kỷ luật... thì trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn đang xem xét, giải quyết để người lao động được tính bảo lưu thời gian công tác trước đây để hưởng bảo hiểm xã hội.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất