23/04/2018 15:06 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Cơ bản sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt thì mới xuất khẩu được như thế nhưng đâu đó, còn mấy con sâu làm rầu nồi canh, Thủ tướng nói. Nếu chúng ta không tăng cường quản lý chất lượng thì chúng ta sẽ mất uy tín.
Sau gần 4 tiếng tham dự Hội nghị về thúc đẩy xuất khẩu, lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đại biểu đã nêu các vấn đề nổi cộm về thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Từ những ý kiến này, Thủ tướng nhìn nhận, phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và cho biết, sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp đi kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Phải giảm chi phí gầm bàn
Về vấn đề chi phí được nhiều đại biểu thảo luận, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng nhấn chìm tàu lớn” và cho rằng, chi phí cao thì không thể cạnh tranh. Do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu rất quan trọng như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương, trong đó, chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn”… còn lớn.
Một vấn đề nổi cộm nữa là quản lý chất lượng sản phẩm. Theo Thủ tướng, “cơ bản sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt thì mới xuất khẩu được như thế nhưng đâu đó, còn mấy con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như cà phê nhuộm than pin. Với trường hợp này, Thủ tướng cho biết đã đề nghị điều tra, khởi tố nghiêm túc đối với các đối tượng liên quan. “Chất lượng cần làm bài bản, nghiêm túc. Nếu chúng ta không tăng cường quản lý chất lượng thì chúng ta sẽ mất uy tín”, Thủ tướng nói. Phải tạo phong trào cách mạng trong nhân dân về đấu tranh, chống tình trạng làm gian, làm dối, làm ẩu trong sản xuất sản phẩm.
Cho rằng năng lực sản xuất trong nước gia tăng, Thủ tướng lưu ý, phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất. Do đó, cần liên tục phổ cập thông tin thị trường đến người sản xuất.
Nhất trí với các ý kiến về việc phát huy vai trò lớn hơn nữa của các hiệp hội ngành nghề trong hỗ trợ xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, các hiệp hội cần “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, chứ “một cây làm chẳng nên non”, “các ông phải chụm lại, cứ tách ra thì không thể làm được gì”.
Thay đổi tư duy, hành động mau lẹ hơn
Cảnh báo tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, cạnh tranh hơn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên, “cứ bình bình thì khó mà xuất khẩu bền vững, sản lượng lớn”.
Đi liền với đó, phải hợp tác, liên kết cùng phát triển, cùng có lợi. Phải có ý tưởng xây dựng vùng chiến lược để có thủ lĩnh sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh chúng ta có 29 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD… có mặt hàng xuất khẩu đến 45 tỷ USD.
Nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo trong xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20%. Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá cao nhiều ý kiến phát biểu về chiến lược xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu chứ không phải chắp vá trong phát triển. Nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu với công việc cần làm trước mắt là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi Nghị định 111, 215 về công nghiệp phụ trợ… 75% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực FDI, do đó, nếu liên kết được khu vực này thì giá trị gia tăng của Việt Nam cao hơn.
Đây là bài toán khó mà Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan cần tính toán thúc đẩy.
Phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn chính trong xuất khẩu, trong đó hàng hóa xuất khẩu Việt Nam giữ chất lượng, uy tín. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh.
Xây dựng hệ thống logistics hậu cần hiện đại, thông suốt và phí rẻ hơn. Tìm kiếm, mở rộng và chinh phục thị trường một cách bài bản, hiệu quả hơn.
Cần xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ. Các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn và có năng lực thực sự để tham gia kênh phân phối này. Với từng thị trường quan trọng phải có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu riêng biệt. Thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.
Các địa phương phải quan tâm chỉ đạo, từ kiểm tra, kiểm soát chất lượng đến địa điểm làm logistics, đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu. Những địa phương có đầu ra là xuất khẩu phải có sự chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
Bộ Công Thương cần tiếp tục trả lời 5 câu hỏi mà Thủ tướng nêu ra khi phát biểu mở đầu Hội nghị. Những câu hỏi này có thể chọn lọc, đưa vào những nội dung của Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài với giải pháp tổng thể, chứ không phải chắp vá. “Tỉnh nào, bộ nào cũng có định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp” để góp phần “đông tay vỗ nên kêu” bởi theo Thủ tướng, tỉnh nào cũng có lợi thế về xuất khẩu.
Theo Đức Tuân - Thông tin Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất