Thuốc lá, thuốc tránh thai... khiến phụ nữ Việt mắc ung thư ngày càng nhiều

21/12/2015 10:57 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tiến sỹ Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Tỷ lệ mắc ung thư ở phụ nữ ngày càng có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam, trong đó ung thư sinh dục bao gồm ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. 

Cụ thể, ước tính mỗi năm có 528.000 ca ung thư cổ tử cung mới mắc và 266.000 phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung trên thế giới. Ở Việt Nam mỗi năm có 5.664 ca mắc mới và 2.472 phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung. 

Tử vong do ung thư cổ tử cung có thể dự phòng được thông qua chương trình dự phòng và điều trị (vắc xin, sàng lọc, điều trị). Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư sinh dục và nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao. Những phụ nữ suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV) hoặc mắc các bệnh mãn tính dễ bị mắc ung thư cổ tử cung. 


Nhân viên y tế tầm soát ung thư cho phụ nữ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do hoạt động tình dục sớm hoặc lần đầu của vị thành niên, thanh niên không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người; mắc bệnh suy giảm miễn dịch (HIV, bệnh mãn tính); hút thuốc lá; sử dụng thuốc tránh thai lâu dài… 

Vụ trưởng Lưu Thị Hồng nhấn mạnh: Công tác phòng chống ung thư sinh sản (ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng) tại Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu các số liệu mới mắc và hiện mắc, thiếu chỉ số theo dõi và giám sát về ung thư sinh sản trong hệ thống báo cáo sức khỏe sinh sản. 

Kế hoạch và chính sách tổng thể mang tầm quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát ung thư sinh sản chưa có, sự liên kết ngành với cơ chế hoạt động linh hoạt còn yếu. Đồng thời, cơ chế phối hợp công tư, cũng như chưa tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia vào hoạt động phòng ngừa và kiểm soát ung thư sinh sản; chưa có cơ chế tập trung và điều phối nguồn lực để kết nối giữa chương trình và dự án nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực còn hạn chế; nhân lực và khả năng cung cấp sàng lọc, điều trị ung thư sinh dục hiện còn yếu… 

Thời gian tới, ngành y tế tập trung vào các giải pháp can thiệp ưu tiên nhằm phòng ngừa và kiểm soát ung thư sinh dục như: Xây dựng kế hoạch tổng thể quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát ung thư sinh dục theo lộ trình phù hợp; đưa dịch vụ sàng lọc ung thư sinh dục vào gói dịch vụ khám sản khoa và khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng ưu tiên. 

Ngành cũng xây dựng các chương trình đào tạo lồng ghép ung thư sinh dục vào chương trình đào tạo chính quy, đào tạo lại. Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông hướng về ung thư sinh dục, đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung lồng ghép trong gói tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên…

TTXVN/Thu Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm