Tiếng nói báo chí giúp Hà Nội giữ được nhiều di tích

12/06/2016 06:48 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(lienminhbng.org) - Với 5850 di tích bao gồm nhiều cấp độ (Di sản Thế giới, Di tích Quốc gia, Di tích cấp thành phố…), Hà Nội hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

“Dòng chảy lịch sử đã dẫn đến tình trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa của chúng ta bị biến đổi theo thời gian. Nhiều trường hợp, di tích có nguồn gốc từ thời Lý, Trần, Lê nhưng đã bị hủy hoại và gần như được xây mới trong những niên đại muộn” – GS Lê Văn Lan nói - “ Điển hình, chùa Một Cột có nguồn gốc từ thời Lý, nhưng được xây lại hoàn toàn vào 1954. Rất nhiều người vẫn nhầm lẫn về điều này”.

Theo quan điểm của GS Lan, bên cạnh cách xếp hạng di tích lịch sử văn hóa như hiện nay (gồm nhiều cấp như cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh…), vấn đề niên đại và độ tuổi “thật” của di tích cũng cần được nghiên cứu công bố rộng rãi như một tiêu chí bổ sung, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và quảng bá.


Việc trùng tu chùa Trăm Gian từng “gây bão” dư luận

“Chính các nhà báo cũng cần giúp dư luận hiểu điều này để tránh nhầm lẫn hoặc ngộ nhận” – ông nói.

Hội thảo “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội” được báo Người Hà Nội phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, tạp chí Người Làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức, với sự góp mặt của một số nhà báo và các chuyên gia văn hóa. Những đánh giá khái quát đưa ra cho thấy: trong nhiều năm qua, báo chí đã đóng góp một tiếng nói quan trọng với việc bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa vật thể tại Hà Nội.

Cũng nhờ tiếng nói của báo chí, nhiều bất cập trong công tác quản lý hay hạn chế trong trùng tu di tích đã được phát hiện và điều chỉnh, như trường hợp vụ trùng tu chùa Trăm Gian, lăng Ngô Quyền, quy hoạch làng cổ Đường Lâm, bảo tồn Đàn Xã Tắc…

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm