Tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ đang ‘phức tạp, khó lường’

17/08/2016 11:46 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 8 giờ ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9-10. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.

Trong 12-24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-12.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ chiều nay (17/8) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Khu vực Bắc biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng ven biển Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông và gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, hướng về vịnh Bắc Bộ và còn tiếp tục mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và sau đó là hoàn lưu bão, từ ngày 17/8 đến khoảng ngày 20/8 xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 2-4m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Dự báo từ ngày 18-19/8, trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 5-7m, hạ lưu từ 3-5m. Các sông khác ở Trung Bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 20/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,10m; tại Châu Đốc lên mức 2,0m.

Trước tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 19 ngày 16/8 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ. Các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh chủ động theo dõi diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ và trên khu vực Bắc Biển Đông để triển khai các biện pháp phòng tránh. Các tỉnh Lai Châu, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã có công điện chỉ đạo các Sở, ban ngành triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ.

Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 17/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 33.865 phương tiện, lồng bè, lều chòi/121.961 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh. Bao gồm hoạt động trên biển: 6.540 phương tiện/32.644 người. Neo đậu tại bến: 24.468 phương tiện/85.759 người. 2.857 lồng bè, lều chòi/3.558 người.

Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên và Thanh Hóa về tình hình thiệt hại do mưa lũ (từ ngày 13/8 đến 15/8) như sau: Có 5 người chết (Điện Biên 1 người, Lai Châu 1 người, Thanh Hóa 1 người, Hòa Bình 2 người); riêng Yên Bái có 3 người bị thương. 34 nhà bị sập đổ; 680 nhà bị ngập, hư hại. 801,3ha lúa và 656ha hoa màu bị ngập úng, vùi lấp. Sạt lở hơn 68.061m 3 đất, đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Thanh Hóa.

Hiện tất cả các tuyến đường cơ bản đã thông xe, còn 3 điểm thuộc tuyến Quốc lộ 15C (đi qua huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn ách tắc, tuyến Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Mường Lát và tuyến đường huyện Chiềng Nưa - Mường Lát đã thông xe nên thị trấn Mường Lát không còn bị cô lập.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục chỉ huy các lực lượng tổ chức khắc phục sạt lở tại các tuyến đường, nhanh chóng thông xe, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, thống kê thiệt hại.

TTXVN/Văn Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm