24/04/2018 07:05 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, từ ngày 25/4, tức là khi Nghị định 49/2017 có hiệu lực, những thuê bao chưa kịp bổ sung theo yêu cầu có bị cắt liên lạc?
Về vấn đề này, theo lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) đơn vị tham mưu đề xuất quy định này cho biết: Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo (tin nhắn) từ nhà mạng để cập nhật, bổ sung thông tin, ảnh chân dung sẽ không bị khoá liên lạc.
Cụ thể theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 4), doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định được ban hành – 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. Như vậy, ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Nghị định 49/2017/NĐ-CP (Điểm e khoản 8 Điều 1) cũng quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện) như sau:
-Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao;
-Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo; đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
-Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
-Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Như vậy, mốc ngày 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình không tuân thủ đúng quy định.
Đồng thời, cũng không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình như đã mô tả tại mục 2 trên đây (theo Điểm e khoản 8 Điều 1 Nghị định 49). Trường hợp, thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.
Theo Cục Viễn thông, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thực sự cố gắng triển khai việc rà soát, cập nhật, hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định tại Nghị định 49. Chỉ đến khi gần ngày 24/4/2018 mới nhắn tin thông báo đến người dân nên việc triển khai cập nhật thông tin tập trung vào những ngày gần đây gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ). Trong những ngày sắp tới, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.
Từ phía các nhà mạng cũng khẳng định không cắt thông tin thuê bao chưa bổ sung thông tin từ ngày 25/4. Theo đó, VinaPhone thông báo mở thêm các kênh tiếp nhận trực tuyến. Ngoài điểm giao dịch khách hàng của VinaPhone có thể tự thực hiện việc bổ sung thông tin thuê bao tại 3 kênh hỗ trợ trực tuyến của VinaPhone từ xa qua web và app và email. Đáng chú ý nhất là khách hàng cũng có thể gửi thông tin qua email: [email protected]. Thông tin bao gồm: số thuê bao, họ tên, kèm ảnh chụp CMTND/Thẻ căn cước/Hộ chiếu cùng ảnh chân dung vào địa chỉ email: [email protected]. Nhân viên chăm sóc khách hàng của VinaPhone sẽ hỗ trợ nhập thông tin.
Trong khi đó, sau ngày 24/4/2018, MobiFone vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng cập nhật, đăng ký thông tin thuê bao tại hệ thống cửa hàng chính thức và các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền. Đồng thời, MobiFone triển khai mời khách hàng cập nhật thông tin thuê bao trong nhiều đợt.
Các thuê bao được MobiFone gửi tin nhắn mời cập nhật thông tin sẽ được ưu tiên cập nhật trước, thuê bao không nhận được tin nhắn mời cập nhật tiếp tục yên tâm sử dụng dịch vụ bình thường để không tạo áp lực tăng tải lượng khách hàng giao dịch trên các kênh. Các thuê bao chưa nhận được tin nhắn mời cập nhật thông tin thuê bao cũng có thể gửi tin nhắn SMS theo cú pháp TTTB gửi 1414 để kiểm tra thông tin chính chủ, trong trường hợp thuê bao chưa đúng chính chủ thuê bao có thể liên hệ với cửa hàng MobiFone gần nhất để xác minh chính chủ theo quy định. Dự kiến từ ngày 25/4/2018, ngoài việc cập nhật thông tin thuê bao tại các cửa hàng của MobiFone, khách hàng có thể cập nhật thông tin trực tuyến (online).
Theo Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất