Tuyển sinh đại học năm nay - Thí sinh thuận lợi, trường lo hồ sơ "ảo"

03/08/2016 07:48 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Từ thực tế công tác tuyển sinh năm ngoái, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp, tạo thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển, tuy nhiên việc này cũng đòi hỏi thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Cần cân nhắc kỹ

Khác với năm 2015, thí sinh được đăng ký vào 4 ngành trong một trường và có quyền thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh, trong đó thí sinh được đăng ký tối đa vào hai trường, mỗi trường không quá hai ngành và không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển.

(Ảnh mang tính minh họa)

Quy định này giúp tăng thêm lựa chọn cho thí sinh vào được trường phù hợp, tuy nhiên quy định thí sinh không được rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển cũng đặt ra yêu cầu thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao.

Nộp hồ sơ khá sớm tại Đại học Kinh tế TP.HCM, em Đổng Minh Vũ (quận 4, TP.HCM) cho biết, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, em đã nghiên cứu rất kỹ về ngành, trường mà em định nộp hồ sơ và cảm thấy phù hợp nên em đã nộp hồ sơ sớm.

Năm nay, quy định không cho thí sinh rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh, tránh trường hợp như năm trước các bạn điểm cao đợi đến ngày cuối cùng mới nộp vào làm cho một số bạn khác có số điểm thấp hơn bị mất cơ hội.

Quy trình tuyển sinh năm nay đã tạo thuận lợi và không gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh, tuy nhiên thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về ngành học, tham khảo điểm chuẩn những năm trước để lựa chọn phù hợp. Vì nếu lựa chon sai thí sinh sẽ không còn cơ hội để thay đổi nguyện vọng nữa. Điều này có thể khiến một số bạn sẽ mất cơ hội vào đại học nếu vội vàng nộp hồ sơ.

Để có lựa chọn phù hợp, các chuyên gia giáo dục lưu ý, trước tiên thí sinh cần xác định được trường và ngành mình yêu thích, sau đó, dựa trên kết quả thi và so sánh điểm chuẩn của ngành đó trong những năm trước để quyết định nộp hồ sơ. Theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, các thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để lựa chọn được ngành đúng khả năng của mình, nhưng cũng không nên lựa chọn ngành mình không yêu thích để bằng mọi giá vào được đại học. Nếu chỉ yêu thích một ngành học, các em không nhất thiết phải đăng ký vào cả hai ngành của một trường, mà nên đăng ký vào trường khác có đào tạo ngành tương ứng.

Với quy chế tuyển sinh năm nay, các trường không công bố dữ liệu xét tuyển nên thí sinh không thể biết được vị trí của mình đang ở đâu, thí sinh có chờ đợi đến những ngày cuối cùng cũng không thể biết được khả năng vào trường có cao hay không, do vậy trên cơ sở tìm hiểu thật kỹ các thông tin trước khi nộp hồ sơ.

Băn khoăn thí sinh “ảo”

Việc cho phép thí sinh đăng ký vào hai trường trong xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, nhưng lại khiến các trường băn khoăn về tình trạng số lượng thí sinh “ảo” sẽ tăng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, quy chế năm nay cơ bản tạo thuận lợi cho thí sinh lựa chọn trường, chọn ngành, tuy nhiên thí sinh được quyền nộp cùng lúc vào hai trường nên không tránh được tình trạng thí sinh “ảo”.

Cùng chung nỗi băn khoăn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng quy định mới trong công tác xét tuyển năm giúp thí sinh giảm áp lực, hồi hợp chờ đợi rút ra và nộp vào giống năm trước. Nhưng năm nay các trường sẽ khá khó khăn vì do các em được chọn nộp hồ sơ vào hai trường cùng lúc, rất có thể các em sẽ trúng tuyển vào cả hai trường, khi đó tình trạng thí sinh “ảo” khá lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng, thí sinh nộp hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng sẽ thuận lợi cho thí sinh lựa chọn được ngành học phù hợp, nhưng ngược lại điều này cũng tạo một số khó khăn cho nhà trường, cụ thể sẽ xảy ra tình trạng thí sinh “ ảo”.

Khó có thể đưa ra giải pháp chung cho việc giải quyết, khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang dựa trên dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp riêng cho các trường, mỗi trường có thể tự phân tích và dự đoán được số thí sinh “ảo” để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Thu Hoài (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm