Vaccine Covid-19 - vũ khí chủ lực trong chiến lược '5K cộng'

24/06/2021 15:15 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Việt Nam đã thành công trong việc chống lại đại dịch COVID-19 ở 3 đợt bùng phát trước đây. Tuy nhiên, để duy trì thành tích này thì nước ta cần đẩy nhanh việc sử dụng vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến với SARS-CoV-2 ở đợt bùng phát thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay) – vaccine.

Khẩn trương hoàn thiện thông tư cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine phòng Covid-19

Khẩn trương hoàn thiện thông tư cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine phòng Covid-19

Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine Covid-19.

Virus biến đổi…

Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến cuối tháng 5/2021, Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ. Trong đợt dịch lần thứ tư ở nước ta (từ ngày 26/4 đến nay), 2 biến chủng B.1.617.2 (lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ) và biến chủng B.1.1.7 (lần đầu tiên xuất hiện ở Anh) được đánh giá là rất nguy hiểm. So với B.1.617.2 thì biến chủng B.1.617.2  (được tìm thấy ở Bắc Ninh, Bắc Giang và một số địa phương khác) có khả năng lây lan mạnh hơn 40 - 50%.

Biến chủng SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ - B.1.617.2 – có thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng 2 - 4 ngày, còn các chủng trước đó có thời gian ủ bệnh từ 5 - 7 ngày, có tốc độ lây lan đặc biệt nhanh trong môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người (hội họp, đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp….). Chẳng hạn, một công nhân mắc COVID-19 ở Bắc Giang sau 5 ngày đã kịp truyền virus cho hàng trăm người tại nhiều công ty khác nhau trong một khu công nghiệp. Còn trên chuyến bay VN160 nhiều người bị nhiễm virus dù ngồi xa so với người bệnh, tình trạng này không giống với các đợt dịch trước.

Chú thích ảnh
Vi rút SARS-CoV-2. Nguồn: TTXVN

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đợt dịch lần thứ tư tại Việt Nam phức tạp hơn các đợt trước vì có nhiều nguồn lây khác nhau - nguồn lây từ các ca kết thúc cách ly tại tỉnh Yên Bái gây ra ổ dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc; nguồn lây từ khu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, nguồn lây trong các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nguồn lây từ nhóm truyền giáo Phục Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Đợt dịch lần thứ thứ tư tại Việt Nam được các nhà chuyên môn đánh giá là diễn biến theo chiều hướng phức tạp với “đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng”. Từ ngày 27/4 đến sáng 24/6 nước ta ghi nhận 10.694 ca mắc COVID-19 trong tổng số 13.989 ca bệnh từ đầu dịch, trong đó 12.264 ca được ghi nhận trong nước; 1.725 ca nhập cảnh. Dịch đã lây lan ra 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước đó, đợt dịch đầu tiên diễn ra vào tháng 3 và tháng 4/2020, liên quan đến Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Đợt dịch thứ hai diễn ra vào tháng 7 và tháng 8/2020, liên quan đến Đà Nẵng. Đợt dịch thứ ba diễn ra vào tháng 1 và tháng 2/2021 liên quan Hải Dương. Tổng cộng trong ba đợt dịch trước nước ta có 3.295 ca bệnh.

… Chiến lược ứng phó đổi thay

Tối 5/6, Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Điều này khẳng định phương châm mới “5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) + vaccine” đã đưa ra trước đó sẽ được thực hiện một cách quyết liệt.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, nước ta chỉ phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch. Thủ tướng nêu rõ: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19”.

Với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine để tiêm miễn phí cho khoảng 75 triệu người Việt, Bộ Tài chính ước tính cần khoảng 25.200 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Đại diện các tầng lớp nhân dân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Dương Giang- TTXVN

Đi bằng hai chân – tự sản xuất vaccine và nhập khẩu

Sáng 7/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine phòng COVID-19.  

Theo Thủ tướng, với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân là trước hết, trên hết, trong năm nay Việt Nam phải có đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần một lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân. Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vaccine phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiêm đại trà cho nhân dân.

Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước có hai nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19, trong đó, một ứng cử viên đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen); còn ứng cử viên khác đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang). Hai cơ sở này có quy mô sản xuất từ 30-40 triệu liều/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư. Hiện tại, có hai doanh nghiệp khác ở trong nước đã tiếp cận, đang đàm phán với đối tác nước ngoài để được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19, với quy mô sản xuất từ 200 đến 300 triệu liều/năm.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực bằng nhiều hình thức để mua được nhanh nhất, nhiều nhất vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên thế giới không phải là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rộng trên toàn cầu, năng lực sản xuất vaccine có hạn.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 25/5/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Bộ Y tế phải chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch. Bộ cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận, đàm phán nhanh chóng mua các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể; có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn (giao nhận, vận chuyển, bảo quản... kể cả các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình), theo tinh thần thần tốc hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa”.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Nguồn: TTXVN

Khẩn cấp nhưng không “nương nhẹ” chất lượng

Ngày 23/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.

Cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong điều kiện khẩn cấp để thúc đẩy nhanh hơn, thần tốc hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước, sớm có sản phẩm phục vụ nhân dân. Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai có hiệu quả.

Bộ Y tế cần ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.

Mặt khác, ở Việt Nam yêu cầu khẩn cấp về vaccine không đi đôi với việc “nương nhẹ” về chất lượng.

Liên quan đến kiến nghị của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen về việc xin cấp phép ngay cho vaccine phòng COVID-19 Nano Covax (đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3), Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nhấn mạnh: Trước khi một loại vaccine đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, về nguyên tắc Bộ Y tế phải có các dữ liệu về an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ. Trong bối cảnh hiện nay, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết, tuy nhiên tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn về mức độ an toàn, khả năng sinh miễn dịch không, hiệu lực bảo vệ.

Việc kiến nghị là quyền của doanh nghiệp, còn việc cho phép hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn, căn cứ theo các quy định.

Hiểu đúng để không “ngại” vaccine

Các loại vaccine phòng COVID-19 được sử dụng ở Việt Nam hiện nay có độ an toàn cao và rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm.

Còn tác dụng phụ sau tiêm vaccine là hiện tượng bình thường do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với kháng nguyên trong vaccine. Một số người gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh…

Hai cơ thể khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau sau khi được tiêm chủng. Các loại vaccine khác nhau cũng sẽ có các tác dụng phụ khác nhau. Việc một người phản ứng với vaccine như thế nào phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của người đó phản ứng ra sao với kháng nguyên trong vaccine.

Các thử nghiệm lâm sàng trước đó của loại vaccine do tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer sản xuất cho thấy hơn 50% số người tham gia không gặp phải tác dụng phụ sau khi tiêm và vẫn tạo được kháng thể.

Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, giới tính, khả năng miễn dịch sẵn có, tình trạng sức khỏe, các loại thuốc khác đang sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng phụ mà người tiêm gặp phải.

Những người trẻ tuổi ghi nhận nhiều tác dụng phụ hơn những người lớn tuổi. Phụ nữ cũng thường dễ gặp tác dụng phụ hơn đàn ông.

Nhìn chung, các tác dụng phụ sau tiêm thường không nghiêm trọng và không kéo dài.

An toàn tiêm chủng được Bộ Y tế Việt Nam đặc biệt quan tâm. Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta so với các nước khác là có sự sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng được tiêm. Nếu đối tượng được tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe thì phải hoãn lại.

Chú thích ảnh

Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay nhiều nước đặt mục tiêu trong năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số mới có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để đảm bảo khoảng 70 triệu người dân được tiếp cận vaccine.

Trần Quang Vinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm