24/11/2018 16:59 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Huyện Cần Giờ là khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão số 9 tại TP.HCM.
Ngày 24/11, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng-Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc công tác ứng phó với bão số 9 tại huyện Cần Giờ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, công tác di dời dân được tổ chức ở huyện Cần Giờ là 4.151 người, huyện Nhà Bè là 1.928 người. Các quận huyện còn lại cũng đã rà soát các phương án, kế hoạch và kiểm tra, thống kê số hộ dân cần di dời ở các khu vực dân cư xung yếu không đảm bảo an toàn tở chức sơ tán, di dời kịp thời. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo thông báo đến các cơ sở giáo dục ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy và hoạt động khác từ 12 giờ ngày 24/11.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 803 tàu thuyền với 2.914 thuyền viên; trong đó, tàu có công suất trên 90CV là 63 chiếc hiện đã vào bờ tránh trú bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản đã tổ chức sắp xếp neo đậu của các tàu, thuyền tại khu neo đậu đảm bảo an toàn; kiểm tra chặt chẽ việc xuất bến của tàu thuyền tại các cửa sông, cửa biển theo lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.
Đối với huyện Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến sáng 24/11, toàn bộ phương tiện đã neo đậu vào nơi an toàn; trong đó, 935 người ở chòi canh và trong rừng đã đưa vào chiều 23/11. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ gạo, mì, nước uống. Trong đó, nước sạch tại xã đảo Thạnh An cũng được chuẩn bị đầy đủ cho nhiều ngày.
Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu là nơi trực tiếp chịu tác động của cơ bão số 9 nên cần triển khai tốt các phương án. Do cơn bão này chịu tương tác rất lớn với gió mùa Đông Bắc, sinh ra các dạng hình thái thời tiết khác như mưa lớn, giông lốc. Riêng khu vực ven biển trực tiếp ảnh hưởng, sẽ bị tác động lớn do triều cường rất cao (hiện đỉnh là 1m56), nên khi cơn bão đổ bộ vào cộng với triều cường sẽ gây ngập rất lớn.
Theo ghi nhận, từ 6 giờ sáng 24/11, công tác di dời dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các địa điểm kiên cố an toàn của huyện Cần Giờ đã được thực hiện và dự kiến hoàn thành trước 12 giờ cùng ngày. Trên địa bàn có 4.151 người/ 1.206 hộ cần di dời khi bão đổ bộ; 413 căn nhà cần chằng chống.
Theo bản tin mới nhất lúc 14h30 ngày 24/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 13 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 200km, cách Bến Tre 230km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 1 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Nam Bộ. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh trong chiều và đêm nay có mưa rất to từ 200-250mm và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25/11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
P.V (tổng hợp theo TTXVN, Vnews, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất