Vụ 7 học sinh bị cuốn trôi: Không phải do thủy điện xả lũ

16/04/2014 14:53 GMT+7 | Thế giới


(lienminhbng.org) - Ngày 13/4, bảy học sinh lội sông đến trường trong đó có một em mất tích, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Trưởng ban Phòng chống lũ bão huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, khẳng định nguyên nhân khiến 7 học sinh ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, bị trôi sông, một em đang mất tích là do tai nạn rủi ro khi đi qua sông, qua suối.

Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 13/4, tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên, (Lai Châu), một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi bảy học sinh tiểu học dắt nhau lội qua sông Nậm Mu, thuộc địa phận bản Hỳ (xã Ta Gia) và bị nước cuốn trôi, trong đó một em bị nước cuốn mất tích.

Ông Hải nhấn mạnh việc một số báo nêu học sinh mất tích là do thủy điện bất ngờ xả lũ là không đúng. Nhà máy thủy điện Bản Chát đã vận hành theo đúng quy trình. Mùa phát điện, nhà máy có thông báo với các xã, tổ chức ký kết, có tuyên truyền, phát tờ rơi cho các xã để cảnh báo người dân dưới hạ lưu biết. Vì vậy, xã cũng bố trí đò ở những nơi người dân thường đi qua.

Ông Hải cho biết thêm, thủy điện Bản Chát là nhà máy thủy điện lớn do quốc gia quản lý. Nhà máy phải đăng ký tổng hòa chung với hệ thống điện của toàn quốc. Vì vậy, không phải nhà máy thích đóng hay mở cửa xả lũ tùy ý là được, mà phải theo quy trình vận hành; nhà máy có hẳn một chương trình thời gian vận hành dài. Trước khi thực hiện quy trình này, nhà máy phải tuân thủ các quy định về thông báo, ký cam kết với xã... Cho nên không thể thấy nước dâng lên là đổ lỗi cho thủy điện.

Khu vực xây nhà máy thủy điện Bản Chát. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN

Ông Hà Trọng Hải giải thích, quy trình vận hành lòng hồ của thủy điện lớn phải được Hội đồng khoa học trình và Bộ Công Thương phê chuẩn.

Để vận hành, nhà máy có thông báo thời gian phát điện, ví dụ từ tháng Một đến tháng Sáu, thời gian tích nước từ tháng Bảy đến tháng 12. Nhà máy thông báo, họp với xã và có ký cam kết. Khi xả lũ đột xuất, nhà máy cũng thông báo, sau đó mới tiến hành xả. Còn việc nhà máy phát điện một tổ máy hay hai tổ máy thì nằm trong quy trình đã được phê duyệt.

Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền huyện Than Uyên, xã Ta Gia, đã tập trung tìm kiếm cứu nạn và động viên gia đình các nạn nhân.

Đến 10 giờ ngày 16/4, sau ba ngày khẩn trương, tích cực tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng chức năng xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn chưa tìm thấy nạn nhân bị mất tích.

Công tác tìm kiếm cứu nạn cũng gặp nhiều khó khăn như địa hình sông suối miền núi nhiều ghềnh, nhiều hõm rất sâu, có nhiều khu đá, hang đá... Lực lượng dân quân xã và bà con dân bản đã cử những người biết bơi lặn giỏi lấy dây gai bện buộc, quét dưới lòng sông nhưng chưa tìm thấy nạn nhân mất tích.

Lãnh đạo huyện Than Uyên đã đến hiện trường và tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân, đồng thời hỗ trợ vật chất đối với gia đình nạn nhân. Các cơ quan, đơn vị xã Ta Gia và huyện Than Uyên đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng. Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 xã Ta Gia lo toàn bộ chi phí ăn uống sinh hoạt cho lực lượng tìm kiếm của xã và gia đình nạn nhân từ khi sự việc xảy ra.

Danh sách các học sinh đã được cứu sống gồm Sùng Thị Súa, Sùng Thị Trà - lớp 3a; Thào Thị Lỳ - lớp 4b; Thào A Vảng - lớp 5c; Sùng A Khua - lớp 6b; Sùng A Sàng - lớp 8b (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 xã Ta Gia). Nạn nhân đang mất tích là Sùng Thị Dở, lớp 4b, cùng trường.


TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm