03/07/2017 06:55 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, sự việc một chủ trâu bị thiệt mạng do trâu húc tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng vào chiều 1/7 vừa qua đã một lần nữa dấy lên trong cộng đồng mối quan ngại sâu sắc về biểu hiện thương mại hóa và đặc biệt là tính bạo lực trong những lễ hội vốn xuất phát từ truyền thống tín ngưỡng.
1. Trả lời Thể thao & Văn hóa (TTXVN), GS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, cho biết: "Lễ hội chọi trâu là một tập quán đã có từ lâu, trở thành sản phẩm du lịch của Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung. Tuy nhiên tính chất thương mại hóa, tư tưởng cầu lợi thời gian gần đây làm cho lễ hội truyền thống bị biến tướng, tính chất văn hóa và ý nghĩa sâu xa bị suy giảm và mất đi".
Ông Bình cũng đưa ra nghi vấn về sự lỏng lẻo trong quy định, công tác tổ chức lễ hội, đặc biệt là nghi vấn việc sử dụng chất kích thích cho trâu nhằm mục đích trục lợi.
Đồng quan điểm với GS Trương Quốc Bình, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) bày tỏ: "Nếu như trong lễ hội, mà ở đây là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hành vi sử dụng chất kích thích cho trâu chọi một cách tràn lan thì nên cấm triệt để. Còn nếu tổ chức được thì hãy tổ chức theo truyền thống vốn có của nó"!
Từ sự cố hy hữu ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, GS Trần Lâm Biền gọi đó là cách ứng xử “thiếu văn hóa đối với một hoạt động văn hóa”, đã làm mất đi tính tâm linh và ý nghĩa vốn có đó là hoạt động tín ngưỡng để cầu cho biển yên sóng lặng. Trước đây, theo truyền thống chỉ có một vài con trâu được tuyển chọn kỹ, cùng với những người chủ trâu có kinh nghiệm mới được tham gia thi chọi. Trâu chọi xong cũng không phải đem bán mà để ném xuống biển tế thần linh.
“Giờ đây người ta đến với chọi trâu Đồ Sơn chỉ vì tinh thần thượng võ, vì các dịch vụ, thậm chí mua thịt trâu chọi với giá cắt cổ mà chẳng hiểu về ý nghĩa của nó” - GS Trần Lâm Biền nói. Sự việc vừa rồi theo GS Trần Lâm Biền là một lẽ tất yếu.
2. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tạm dừng hay cấm hoàn toàn những lễ hội truyền thống ít nhiều gây tranh cãi là dã man, giờ lại xảy ra chết người, cụ thể là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?
Trả lời câu hỏi trên của Thể thao & Văn hóa, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, cái cần cấm ở đây là những hành vi lệch lạc xa rời truyền thống tín ngưỡng, chứ không phải cấm cả lễ hội.
Phân tích thêm về sự “lệch lạc” này, ông Ngọc nói: “Hoạt động chọi trâu trước đây vốn có nhiều ý nghĩa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của cộng đồng. Nhưng muốn vậy thì phải theo quy tắc của cộng đồng đặt ra, chứ không phải cứ mở rộng càng nhiều càng tốt, kéo càng nhiều người về thì càng hay. Chuyện người ta đổ xô về để cảm thán sự thượng võ hay tệ hơn là cổ súy bạo lực là một sự lệch lạc hoàn toàn so với lễ hội chọi trâu trước đây, gần như làm mất đi cái bản chất nhất của lễ hội”.
Cũng với câu hỏi trên, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, đưa ra quan điểm: “Cứ có sự cố lại đòi cấm thì không bao giờ có thể giải quyết được việc. Theo tôi, tạm dừng tổ chức để xử lý sự việc là việc làm đúng đắn, nhưng nếu cấm hoàn toàn thì làm mất đi một di sản truyền thống vốn rất tốt đẹp".
GS Trương Quốc Bình đã đưa ra ý kiến liên quan đến việc hạn chế tính bạo lực của lễ hội. Ông nói: “Trước hết cần xem lại những quy định của ban tổ chức đã thực sự chặt chẽ chưa. Tiếp đến là việc đảm bảo an toàn cho người tham gia bằng cách xây dựng các đấu trường đủ tiêu chuẩn, đặt ra quy định cho những người tham gia cuộc thi. Đặc biệt là cần có công tác huấn luyện bài bản cho các chủ trâu trước khi tham gia thi đấu”.
Trên thực tế, không chỉ có công tác huấn luyện mà còn rất nhiều quy định khác để đảm bảo an toàn cũng như giữ nguyên nét đẹp của lễ hội truyền thống cũng đã bị bỏ qua. Mong rằng sau sự cố “chết người” hy hữu này, Hải Phòng sẽ có những giải pháp hữu hiệu hơn để “cứu” lấy lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khỏi bóng đen của bạo lực.
Hà My - Huy Thông (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất