Xét xử nguyên lãnh đạo BHXH Việt Nam: Hợp đồng vay vốn trái với thư bảo lãnh của Agribank

20/09/2019 11:32 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Sáng 20/9, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Xét xử nguyên lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Cho vay trái quy định, gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng của Nhà nước

Xét xử nguyên lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Cho vay trái quy định, gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng của Nhà nước

Sáng 18/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank).

Theo đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam) từ 15 - 16 năm tù; Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) và Hoàng Hà (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc BHXH Việt Nam) từ 8 - 9 năm tù; Trần Tiến Vỹ (nguyên là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc BHXH Việt Nam) từ 3 – 4 năm tù về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (nguyên là chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc BHXH Việt Nam) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 24 – 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của Nhà nước

Theo đại diện Viện Kiểm sát, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế của Nhà nước, hậu quả thất thoát gần 1.700 tỷ đồng đến nay chưa khắc phục được, gây dư luận hoang mang, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân.

Đối với bị cáo Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, là người được Nhà nước giao quản lý quỹ BHXH, có trách nhiệm sử dụng và quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Huy Ban đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện các thủ tục để ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALCII vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Điều 96, Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 11 Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.263 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Hành vi phạm tội của bị cáo Ban giữ vai trò chính, bị cáo đã nhiều lần phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, cần thiết phải có một mức hình phạt thật nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài mới có đủ tác dụng để giáo dục, cải tạo và răn đe phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Lê Bạch Hồng, trong thời gian nguyên là Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Hồng đã cố ý cùng với các đối tượng cấp dưới làm thủ tục, ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALCII vay 380 tỷ đồng, không đúng nguyên tắc đầu tư, không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong đó có 2 hợp đồng quá hạn không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng. Bị cáo Lê Bạch Hồng cũng là người có quyền quyết định cao nhất, thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chính, giống như bị cáo Nguyễn Huy Ban. Bị cáo Lê Bạch Hồng đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do vậy, cần thiết phải có một mức án thật nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra, tiếp tục cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài mới có đủ tác dụng để giáo dục, cải tạo giúp bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Thỏa thuận hợp tác số 01 chỉ là thỏa thuận định hướng

Căn cứ tài liệu điều tra và kết quả điều tra, xét hỏi công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát xác định, biên bản Thỏa thuận số 01 ngày 25/12/2003 ký giữa BHXH Việt Nam (VSS) và Agribank (VBARD), chỉ là thỏa thuận định hướng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, không có giá trị ràng buộc giữa Agribank với BHXH. Sau khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, Thỏa thuận hợp tác số 01 ngày 25/12/2003 không có hiệu lực đối với việc cho ALCII vay vốn.

Agribank phát hành 3 chứng thư bảo lãnh thanh toán theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bảo lãnh cho ALCII nhận tiền gửi của BHXH  Việt Nam, không phải là bảo lãnh vay vốn. Trên thực tế, giữa BHXH Việt Nam và ALCII thực hiện quan hệ giao dịch dưới dạng hợp đồng vay vốn (không phải hợp đồng gửi tiền), trái với thư bảo lãnh của Agribank.

Trong 14 hợp đồng ký kết giữa BHXH Việt Nam và ALCII có 11 hợp đồng căn cứ vào Biên bản thỏa thuận số 01 ngày 25/12/2003 và 2 hợp đồng căn cứ vào Thư Bảo lãnh số 800 ngày 13/3/2008 và Thư Bảo lãnh số 1441 ngày 22/4/2008. Nhưng nội dung của 2 hợp đồng này cũng có nội dung về lãi suất và thời hạn cũng không đúng với nội dung Thư Bảo lãnh số 1441 ngày 22/4/2008. Do đó, các hợp đồng vay vốn nêu trên do BHXH Việt Nam và ALCII tự thực hiện trái pháp luật và không căn cứ hoàn toàn vào thư bảo lãnh do Agribank phát hành.

Các bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước Tường, Hoàng Hà, Trần Tiến Vỹ là những người tham gia vào việc quyết định cho ALCII vay hay không cho vay, hành vi của họ là nguyên nhân trực tiếp và có tính chất quyết định dẫn đến hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, việc Agribank phát hành các thư Bảo lãnh đã tạo niềm tin, tạo một phần cơ sơ để các bị cáo tại BHXH Việt Nam thực hiện việc cho vay vốn trái pháp luật.

Vì vậy, về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét về việc yêu cầu Agribank phải chịu một phần nghĩa vụ khắc phục hậu quả cùng với các bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước Tường, Hoàng Hà, Trần Tiến Vỹ để bồi thường số tiền mà các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước là gần 1.700 tỷ đồng.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm