06/12/2019 20:33 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng 6/12, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị bàn giải pháp để xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển cho rằng, qua khảo sát tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, đoàn của MAB Việt Nam và Ủy ban UNESCO đánh giá cao tiềm năng, sự đa dạng sinh học của Vườn. Đặc biệt, công tác quản lý và bảo vệ Vườn Quốc gia Núi Chúa luôn được tăng cường, ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển hệ sinh thái trong Vườn luôn được nâng cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trí, để Vườn Quốc gia Núi Chúa được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO, Ninh Thuận cần thành lập Ban Chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo, điều phối mọi việc có liên quan đến vấn đề bảo vệ, phát triển khu sinh quyển; mời gọi các nhà khoa học, các vụ, viện nghiên cứu để hướng dẫn.
Đồng thời, Ninh Thuận cần học tập kinh nghiệm ở các địa phương đã được UNESCO công nhận khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam như: Khu sinh quyển thế giới ở Cát Bà (Hải Phòng); Khu sinh quyển thế giới Lang Biang (Lâm Đồng); Khu sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu sinh quyển thế giới Kiên Giang... để nghiên cứu làm đúng theo quy trình, hướng đến xây dựng hồ sơ để trình UNESCO xem xét.
Ngoài ra, tỉnh cần thành lập mô hình quản lý; huy động người dân trong vùng cùng các hội, đoàn thể tham gia công tác bảo vệ khu sinh quyển; huy động các doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ, hình thành các hoạt động có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong khu sinh quyển.
Theo lãnh đạo Viện Sinh thái học miền Nam, Viện đã kiểm tra, làm việc với Vườn Quốc gia Núi Chúa trong thời gian dài và thấy rằng Vườn Quốc gia đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại địa phương.
Theo đó, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học… để có sự đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc đóng góp ý kiến chi tiết hơn, hoàn chỉnh đồng bộ hồ sơ theo đúng quy định để trình UNESCO.
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở kết nối với Viện Sinh thái học miền Nam, Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình và đề cương kỹ thuật; đồng thời, cân nhắc gắn với phát triển du lịch để trình và đưa Vườn Quốc gia Núi Chúa vào khu dự trữ sinh quyển.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quy hoạch khu Vườn Quốc gia Núi Chúa thành Khu Du lịch trọng điểm quốc gia đặc sắc. Để xây dựng hồ sơ đưa Vườn Quốc gia Núi Chúa trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các sở, ngành và địa phương cùng tham gia; lên kế hoạch chi tiết, lộ trình học tập kinh nghiệm tại các khu sinh quyển trong nước.
UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện giải pháp bảo tồn gắn với việc thành lập thương hiệu để tạo điều kiện phát triển khu sinh quyển; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về vấn đề này; huy động các nguồn lực cùng tham gia vì lợi ích chung về bảo tồn và phát triển.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, nghiên cứu chi tiết theo đúng quy định của UNESCO trong quá trình lập hồ sơ để báo cáo UBND tỉnh trình MAB; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các bộ, ngành liên quan vào tháng 8/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận lưu ý các đơn vị được giao trách nhiệm, khi trình hồ sơ phải có đánh giá gắn giữa bảo tồn và phát triển; đưa khu bảo tồn gắn với quy hoạch tổng thể và chi tiết theo Luật Quy hoạch. UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học; đồng thời, huy động vốn từ nguồn xã hội hóa để cùng tham gia thực hiện công tác nghiên cứu gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
Tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến Vườn Quốc gia Núi Chúa và từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đến khu vực Mũi Dinh, huyện Thuận Nam. Ninh Thuận luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững.
Vườn Quốc gia Núi Chúa nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải có diện tích tự nhiên là 29.856 ha; trong đó, có 22.513 ha là đất liền, 7.352 ha là biển, vùng đệm gồm 8 xã với diện tích 7.350 ha. Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam Việt Nam, Vườn Quốc gia Núi Chúa cơ bản hội tụ đủ điều kiện để đề cử xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bởi Vườn có nhiều sinh vật quần tụ phong phú và đa dạng với 330 loài có xương sống trên cạn, 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 64 loài quý hiếm được cảnh báo bảo tồn; hệ thực vật cũng có hơn 1.530 loài rất quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.
Công Thử (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất