12/05/2021 19:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tiếp tục chủ đề “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, ở phần “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu: "Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn", trong đó có kể tới mối quan hệ "giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường".
Để hiểu rõ về vấn đề này, cũng như xử lý tốt mối quan hệ kể trên, trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng:
- Trong phát triển văn hóa những năm vừa qua chúng ta gặp phải một số bất cập cần phải giải quyết, đặc biệt trong số đó là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa nói chung, bảo tồn di sản nói riêng. Nhìn chung, đây là mối quan hệ rất phức tạp và không thể có một giải pháp chung, duy nhất cho mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, và cũng chính vì tính chất phức tạp đó nên dù chúng ta có rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nhưng việc xử lý đôi khi vẫn gặp những vấn đề chưa hoàn toàn thỏa đáng với tất cả các bên liên quan.
Ông lý giải:
- Câu chuyện ở đây là, kinh tế luôn là việc trước mắt, nhu cầu bức thiết phải giải quyết ngay, trong khi những gì liên quan đến văn hóa có thể chờ đợi và thậm chí cần có thời gian mới thấy được kết quả. Chính vì thế, quan tâm đến kinh tế đầu tiên cũng được xem là điều dễ hiểu.
Không cần phải nói chuyện xa xôi của một đất nước, ngay trong mỗi gia đình, chúng ta cũng cảm nhận được logic này. Khi chúng ta còn nghèo, việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến là thoát nghèo, có cái ăn, cái mặc trước đã, rồi sau đó mới tính toán đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ những giá trị tinh thần - những câu chuyện của văn hóa. Một đất nước cũng đi theo đúng quy luật này, và quốc gia nào cũng vậy mà thôi!
Vấn đề là, đất nước chúng ta đang ở trong một giai đoạn phát triển mới, ở đó, những thành quả của quá trình phát triển đất nước đã/ đang được cảm nhận bởi mỗi người dân. Người dân giờ đây có nhu cầu tinh thần nhiều hơn để đạt tới một cuộc sống hạnh phúc, cũng giống như các đô thị giờ đây mong muốn trở thành các đô thị đáng sống. Như thế, sự tăng trưởng kinh tế cần phải chuyển hóa thành phát triển văn hóa, thỏa mãn nhu cầu tinh thần để tạo ra chất lượng cho cuộc sống.
Cuộc sống có đầy đủ vật chất nhưng không được đáp ứng về nhu cầu tinh thần chắc chắn không phải là cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp vật chất đầy đủ nhưng cuộc sống không hạnh phúc, hay câu nói “tiền nhiều để làm gì” thực sự đã là trăn trở của không ít người.
Văn hóa, hay những giá trị tinh thần, có thể giúp tăng trưởng kinh tế trở nên chất lượng hơn, hay như cách chúng ta vẫn thường nói về phát triển bền vững. Đó là lý do tại sao, chúng ta phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Như vậy, điểm nhấn của chúng ta là xử lý hài hòa mối quan hệ này để tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho phát triển văn hóa, và ngược lại, phát triển văn hóa cũng giúp ích cho tăng trưởng kinh tế. Sự hài hòa này dựa trên tính toán về sự cân bằng giữa yếu tố vật chất và tinh thần, giữa nhu cầu hiện tại và tương lai, ngắn hạn và dài hạn.
“Tùy từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, chúng ta mới có thể biết cách cân bằng hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Vì thế, tôi luôn mong muốn, bên cạnh đánh giá tác động kinh tế - xã hội, hay kiểm toán về môi trường như gần đây áp dụng, có lẽ chúng ta cân nhắc đến đánh giá tác động về văn hóa, kiểm toán về văn hóa trong bất cứ dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nào!” - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
* Thưa ông, “Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII” được nêu trong Nghị quyết có nhắc đến việc "nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam". Đây có phải lần đầu tiên khái niệm "chỉ số hạnh phúc" được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng và nên hiểu nhiệm vụ này như thế nào? Trong các cách đánh giá Chỉ số hạnh phúc mà một số tổ chức quốc tế đưa ra, chúng ta nên coi chỉ số của tổ chức nào là chính thống nhất?
- Hạnh phúc là yếu tố vô cùng quan trọng, là mục đích cuối cùng của mỗi người và cả xã hội. Tôi thấy, trong Nghị quyết Đại hội lần này, chúng ta nhấn mạnh đến hạnh phúc là hết sức đúng đắn và kịp thời. Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên chúng ta bàn đến hạnh phúc trong một Nghị quyết của Đảng, nhưng là thời điểm phù hợp nhất để chúng ta bàn nhiều hơn, khai thác nhiều hơn về giá trị của hạnh phúc và cụ thể hóa thành chỉ số hạnh phúc trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt khi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “chưa bao giờ đất nước ta có được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.
Hạnh phúc là cảm nhận mang tính cá nhân nên đôi khi cảm nhận hạnh phúc đối với người này khác với cảm nhận hạnh phúc của người khác. Tuy là cảm nhận chủ quan, nhưng hạnh phúc lại dựa trên những yếu tố khách quan - cơ sở tạo nên sự cảm nhận về hạnh phúc - đó là mức độ thỏa mãn của con người với môi trường xung quanh.
Con người có thể tìm kiếm và trải nghiệm về hạnh phúc, vì thế, hạnh phúc có thể đo lường được. Tôi nhớ đã có một cuốn sách của tác giả Lê Ngọc Văn về hạnh phúc của người Việt Nam, khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá, xuất bản năm 2019. Trong đó, tác giả đưa ra chỉ số hài lòng về kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên, hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội, hài lòng về bản thân để từ đó tổng hợp thành chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.
Trên thế giới cũng đã có một số báo cáo đánh giá hạnh phúc như Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của Tổ chức Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Trái đất thuộc Đại học Columbia, Mỹ công bố hàng năm.
Quỹ Kinh tế mới (NEF) là một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội phi chính phủ có trụ sở chính tại Anh cũng công bố Chỉ số hạnh phúc hành tinh (HPI) 3 năm 1 lần. Và cũng có thể có một số báo cáo khác nữa.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, báo cáo của nước ngoài hay Việt Nam cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng ta có thể sử dụng các báo cáo này như một nguồn tài liệu để tham khảo, để biết thêm về tình hình chung của thế giới và Việt Nam, mà không nên hoàn toàn cho rằng đây là những tư liệu tuyệt đối chính xác. Chúng ta vẫn có thể cảm nhận được môi trường hạnh phúc của quốc gia và cá nhân qua cách đánh giá của riêng mình. Hạnh phúc là cả một quá trình, và phấn đấu đạt tới hạnh phúc là mục tiêu cả cuộc đời của mỗi cá nhân và mục tiêu cuối cùng của cả xã hội.
* Vậy, ngành văn hóa đã có đề án gì để nâng cao Chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam? Theo ông phải làm gì để tiếp tục cải thiện chỉ số này?
- Ngành văn hóa đã có những nỗ lực rất lớn để tăng chỉ số hạnh phúc và để điều đó được cảm nhận rõ ràng bởi mỗi cá nhân, từng gia đình và cả xã hội. Nỗ lực ấy là tổng hợp của nhiều hoạt động, từ việc có thêm nhiều chương trình nghệ thuật hay và thu hút khán giả, những sản phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng cho công chúng về những giá trị chân - thiện - mỹ, như khu vui chơi, địa điểm du lịch, những hoạt động thể thao hấp dẫn...
Việc triển khai có hiệu quả các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa... là hướng đến một môi trường tạo điều kiện cho người dân hạnh phúc.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ số hạnh phúc mang tính tổng hợp, không chỉ có được từ những hoạt động của lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, chăm sóc hạnh phúc cho nhân dân là nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Hạnh phúc không chỉ là một giá trị quan trọng mà còn là khát vọng vươn tới của mỗi con người và toàn xã hội. Xây dựng một xã hội hạnh phúc cũng chính là thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Có lẽ chúng ta cân nhắc đến đánh giá tác động về văn hóa, kiểm toán về văn hóa trong bất cứ dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nào!” (PGS-TS Bùi Hoài Sơn). |
(Còn tiếp)
Huy Thông (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất