K-pop xâm chiếm các trang mạng xã hội

26/08/2012 07:03 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - K-pop từng sử dụng một công thức nhất định để gặt hái thành công ở các thị trường hải ngoại. Các nghệ sĩ pop Hàn Quốc phải trẻ trung, có ngoại hình “bắt mắt”, phải có các màn vũ đạo ấn tượng và xuất hiện trong nhiều chương trình tạp kỹ truyền hình. Thế nhưng, khi công thức trên không còn hữu hiệu nữa, làn sóng K-pop đã nhanh chóng chuyển hướng sang một mặt trận mới hiệu quả hơn: các mạng xã hội.

Không quá trẻ, cũng chẳng có ngoại hình quá ưa nhìn, song nghệ sĩ rap Hàn Quốc có nghệ danh là Psy (34 tuổi), người có điệu nhảy “cưỡi ngựa” chẳng khác gì kẻ mất trí, đang gặt hái thành công quốc tế kể từ khi video nhạc mới nhất của anh - Gangnam Style - được tung lên YouTube từ ngày 15/7. Cho đến nay, đoạn video Gangnam Style đã nhận được hơn 50 triệu lượt truy cập trên YouTube.

Phương tiện “bắt buộc” với các nghệ sĩ đang tìm danh tiếng quốc tế

Đoạn video của Psy đã khiến ông Scooter Braun, nhà quản lý của thần tượng pop Justin Bieber rất thích thú và lập tức đã mời Psy tới Mỹ để bàn chuyện “làm ăn”. Trong khi đó, nhiều ngôi sao pop quốc tế, như Robbie Williams, Katy Perry, cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ Psy trên các mạng xã hội của họ.

Theo thống kê của Park Han Woo, Phó giáo sư thuộc Khoa Thông tin đại chúng và Viễn thông, trường ĐHTH Yeungnam, trong số 50 triệu lượt truy cập vào đoạn video Gangnam Style trên YouTube thì có 47% là ở Mỹ, 6,8% ở Anh và Hàn Quốc là 4%. 



Hình ảnh một số video ca nhạc của K-pop trên YouTube (từ trái sang): Gangnam Style của Psy, Spy của Super Junior, Paparazzi của Girls' Generation và I Love You của 2NE1.

Thành công toàn cầu của Psy đã phần nào cho thấy việc hiện diện trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook và Twitter đã trở thành lộ trình “bắt buộc” đối với các nghệ sĩ K-pop muốn tìm kiếm danh tiếng quốc tế. Có cầu thì cũng có cung, với sự bùng nổ nhanh chóng của K-pop trên trường quốc tế, hồi tháng 12/2011, YouTube đã tạo một kênh K-pop chính thức ở hạng mục âm nhạc của mình.

Các công ty giải trí Hàn Quốc cũng nhận thấy rõ những “hiệu quả quảng bá nhanh chóng mà không hề tốn kém” khi các nghệ sĩ K-pop sử dụng YouTube làm công cụ marketing ở thị trường hải ngoại.

“Sử dụng các mạng xã hội, chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền so với các sự kiện tiếp thị hình ảnh truyền thống. Nhờ đó, chúng tôi có thể dùng những khoản tiền tiết kiệm được để đầu tư cho nghệ sĩ và các ca khúc mới” -  Kim Eun A, người phát ngôn của công ty S.M. Entertainment, cho biết.   

Chi phí nhỏ, hiệu quả quảng bá lớn

Tác dụng lớn của mạng xã hội đã khiến ngày càng nhiều các nhóm K-pop đổ tới đây.

Chẳng hạn như hôm 14/8, trang Twitter của YouTube đã chính thức thông báo tới 15,4 triệu người hâm mộ rằng nhóm nhạc nam Super Junior đã phát hành đoạn video ca nhạc mới nhất mang tựa đề Spy và họ đã tạo đường kết nối với video này. Kết quả là chỉ sau 9 ngày được đưa lên YouTube, vào hôm 12/8, Spy đã nhận được hơn 4 triệu lượt truy cập.

Trang Facebook cũng có thế mạnh đáng kể. Nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất của K-pop - Girls' Generation – đã có 3,4 triệu người hâm mộ trên mạng xã hội này. Trong khi đó, ban nhạc nam Big Bang có 3,5 triệu người; nhóm nhạc nữ 2NE1 có 2,9 triệu người và nhóm nhạc nam SHINee có 2,8 triệu người.

Hôm 15/7, nhóm nhạc nam Big Bang đã cập nhật những hình ảnh mới nhất của thành viên G-Dragon trong album mới của Psy, trong nhạc phẩm Blue Flog và qua đó  đã giúp Psy quảng bá được album mới của mình tới người hâm mộ của Big Bang trên Facebook.

Chưa kể, hôm 23/8 nhóm nhạc nữ 2NE1 đã được mời tới trụ sở của Facebook ở LosAngeles để tham gia chương trình phỏng vấn trên Facebook Live. Trong chương trình này, các thành viên của 2NE1 chủ yếu chuyện trò với người hâm mộ về chương trình hòa nhạc đầu tiên của họ ở hải ngoại – được tổ chức ở New York hôm 17/8 và đã thu hút khoảng 7.000 khán giả.

Nhờ chương trình phỏng vấn trên Facebook Lives, nhiều người đã chú ý tới buổi hòa nhạc tiếp theo đó của 2NE1– diễn ra tại Nhà hát Nokia ở Los Angeles vào hôm 24/8 – và như vậy nhóm nhạc 2NE1 đã không hề tốn công sức để quảng bá cho chương trình của mình.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm