'Có những người nghèo sẽ biết Tết'

04/09/2013 11:40 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngay sau khi triển lãm Cao nguyên đá kết thúc, chiều ngày 2/9, đoàn công tác của báo TT&VH cùng họa sĩ Đỗ Đức đã vào tận những bản xa nhất của huyện Đồng Văn (Hà Giang) trao đổi và thống nhất phương án xây nhà cho hai hộ gia đình nghèo nơi địa đầu Tổ quốc.

1. Khắp thôn Sì Phai (Đồng Văn, Hà Giang) không ai không biết ngôi nhà tứ bề gió lùa của anh Sùng Mí Lúa. Ở tuổi 26, cái tuổi căng tràn sức lao động, song Sùng Mí Lúa có chưa đầy một sào đất nương để canh tác. Tính tổng số ngày trên nương của Lúa chưa được một tháng/ năm.


Anh Sùng Mí Lúa

Cũng bởi vậy, với Lúa, trong năm chỉ có 2 mùa: mùa no và mùa đói. Trong đó, mùa no chừng 2 tháng, còn lại là đói. Còn trong căn nhà với bức tường dựng bằng những thanh tre, thưa thớt như chiếc hàng rào mỏng; cùng nóc nhà thủng lỗ chỗ như lưới mắt cáo của Lúa có trọn 4 mùa: nắng, mưa, gió, rét…

Lúa thở dài: “Là đàn ông, ai nỡ để vợ con phải chịu cảnh ấy. Song ruộng nương không có, mình cũng cố làm thuê khắp nơi từ Cao Bằng, Lạng Sơn hay sang cả Trung Quốc. Nhưng mình chẳng hiểu sao, đã nhiều ngày ngồi ở “chợ người”, ai cũng được thuê một vài lần còn mình cứ ngồi dài cả ngày”.

Cũng bởi không chịu được đói nghèo liên miên, vợ Lúa đã bỏ Lúa đi tìm cuộc sống mới. Lúa, con nhỏ cùng mẹ già lại lầm lũi rau cháo nuôi nhau trong ngôi nhà tre…

Chủ nhân tương lai của ngôi nhà tình nghĩa thứ 2 lại mang nỗi cơ cực khác. Gia đình 4 người của anh Thào Mí Giàng được che chở trong 4 bức trình tường xiêu vẹo “chờ sập”.

Trong căn phòng chưa được 10 m2, vật dụng giá trị nhất của gia đình là tấm bằng khen và những chiếc phiếu bé ngoan của lũ trẻ.

“Công việc chính của mình là làm dân quân thị trấn Đồng Văn. Công việc cũng không vất vả nhưng mất gần trọn ngày để đảm bảo an ninh địa phương. Trong khi đó, tiền hỗ trợ cũng chẳng là bao. Nhiều anh em cùng thực hiện nghĩa vụ như mình đã chẳng thể làm nữa và bỏ đi làm thuê, nhưng mình không đành”- Thào Mí Giàng nói.

Căn bếp của gia đình nhà Lúa

2. Sau khi thăm, chứng kiến và lắng nghe thân phận những mảnh đời đá trong gia đình Lúa và Giàng, BTC đã quyết định dành 80 triệu đồng thu được từ cuộc đấu giá hai bức tranh để xây nhà cho họ. Họ cũng nhất trí xây nhà trên theo kiến trúc mà báo TT&VH đề xuất. Đó là xây nhà bằng đá, giữ nguyên bản sắc đồng bào Mông nơi địa đầu Tổ quốc.

Sau chuyến thăm, Báo TT&VH cùng họa sĩ Đỗ Đức sẽ xúc tiến việc xây nhà cho 2 gia đình nghèo

BTC cũng từ chối việc lắp tên biển đơn vị trước cửa ngôi nhà tình nghĩa này như chính quyền địa phương và chủ nhân tương lai của ngôi nhà đề xuất. “Thay vào đó, chúng tôi sẽ tặng phiên bản bức tranh trong ngày các gia đình khánh thành nhà mới để đồng bào hiểu thêm về ý nghĩa của món quà”- họa sĩ Đỗ Đức cho biết.

Theo kế hoạch, hai ngôi nhà trên sẽ hoàn thiện trước Tết Nguyên đán tới. Cùng nhìn lại những hình ảnh của hai gia đình nghèo khó nơi địa đầu Tổ quốc:

"Căn nhà" của Lúa

Gia đình Sùng Mí Lúa khi nghe tin có nhà mới

Căn nhà trình tường đất của Tháo Mí Giàng nghiêng ngả tứ bề "chờ sập"

Tấm bằng khen và phiếu bé ngoan là gia tài lớn nhất trong gia đình Thào Mí Giàng

Thào Mí Giàng vui vẻ ký giấy xác nhận sẽ xây căn nhà nhờ số tiền bán tranh của họa sĩ Đỗ Đức và báo Thể thao & Văn hóa

Lúa trò chuyện trong gian nhà tre vừa là phòng ngủ vừa là bếp, là phòng khách, là sân thả gà...

Nhờ món quà của Thể thao & Văn hóa và họa sĩ Đỗ Đức, em Thào Mí Già (7 tuổi) con gái của Thào Mí Giàng, sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
 

Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm