Xe máy cháy nổ có thể do xăng pha tạp chất

15/12/2011 09:03 GMT+7 | Thế giới

4 vụ cháy xe dồn dập xảy ra chỉ trong 13 ngày đầu tháng 12, trong đó có hai vụ xảy ra 2 ngày liên tiếp tại Hà Nội khiến dư luận càng hoang mang và nghi ngờ về thủ phạm gây cháy. Sau vụ cháy xe SYM Attila chiều 13/12, một số người nghi ngờ xăng của những chiếc xe bị pha tạp chất hay dung môi đặc biệt nào đó nên khả năng cháy, nổ xảy ra liên tiếp.

Độc giả Trần Bình Nguyên ở Hà Nội đưa ra giả định thủ phạm các vụ cháy nổ xe máy gần đây là xăng. "Qua vụ nổ xe ở Bắc Ninh có thể khẳng định với bình xăng của xe máy và với xăng bình thường không thể tạo vụ nổ có sức công phá lớn như vậy được. Nếu nguyên nhân chất nổ bị loại trừ thì nguyên nhân vụ nổ chỉ có thể là do xăng đã bị pha một loại dung môi với một hóa chất đặc biệt nào đó. Tần suất các vụ cháy gần đây là một điều ngạc nhiên, tôi tin rằng xăng đang bị pha hóa chất là là dung môi để biến nước lã thành xăng" - anh Nguyên phán đoán. Từ đó, anh đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ thành phần xăng đang lưu thông.

Nhiều độc giả khác cũng nghi ngờ khả năng xăng lẫn tạp chất là thủ phạm. Độc giả Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ :"Tôi nghĩ lý do chính ở đây là xăng đổ cho xe có vấn đề, có thể là xe đã đổ xăng pha lẫn nhiều tạp chất cộng với yếu tố bất lợi nào đó đã gây ra vụ nổ. Cần điều tra thật kỹ để không xảy ra chuyện thương tâm nữa".

Phân tích một cách tổng quát, độc giả Trần Anh cho hay, tổng số vụ cháy trong 5 năm qua được ghi nhận là 25 vụ, trong đó 60% là xe ga, và chủ yếu là xe Honda. Điều này không có gì bất thường bởi tỷ lệ xe tay ga cao cũng như tỷ lệ dùng xe Honda tại Việt Nam rất cao (năm 2010 Honda VN tung ra thị trường 1,7 triệu chiếc, chiếm 64% thị phần).



Chiều 13/12, một chiếc xe SYM Atilla cũng ngùn ngụt bốc cháy trên cầu Chương Dương, Hà Nội. Đây là vụ cháy thứ hai trong hai ngày liên tiếp và là vụ thứ 4 trong 13 ngày đầu tiên của tháng 12/2011.

"Như thế nguồn gốc hay chủng loại xe không có gì bất thường, tuổi thọ xe cũng khá ngẫu nhiên. Đáng chú ý là số vụ cháy nổ năm nay tăng bất thường là 13 vụ, bằng cả số xe cháy của mấy năm trước cộng lại. Vì thế có thể nguyên nhân nằm ở điều gì đó ở yếu tố mới xuất hiện ví dụ xăng xe không đảm bảo chất lượng chăng ??" - độc giả Trần Anh nghi vấn.

Trao đổi với VnMedia về các nghi vấn của độc giả sau hàng loạt vụ cháy xe máy liên tiếp, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu quân đội cho biết khó có thể đưa ra giả định về nguyên nhân của các vụ cháy nếu không có các kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này lập luận, nếu do xe cháy do chất lượng xăng thì hiện tượng cháy phải xảy ra hàng loạt chứ không chỉ vài chiếc như vậy.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Trai, Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, ĐH Bách Khoa, ngoài nguyên nhân tác động vào xe không đúng quy chuẩn, hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới cháy xe máy là linh kiện phụ tùng trôi nổi và xăng có vấn đề. "Khi dùng xăng có tạp chất, khả năng gây hại với các chi tiết khi xe vận hành tăng cao, dẫn tới rò rỉ, chập cháy" - TS Nguyễn Khắc Trai chia sẻ.

Trả lời báo VnExpress, TS. Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC, khuyến cáo trong quá trình vận hành xe, nếu phát hiện thấy có mùi xăng bất thường hay mùi khét lạ, người sử dụng nên tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố trước khi quá muộn. Trường hợp khi xe để trong nhà, nếu phát hiện thấy nặng mùi xăng, ngay lập tức phải mở tung các cửa và đồng thời sử dụng các phương tiện thô sơ (quạt nan, quạt giấy…) để lùa, khuếch tán hơi xăng ra môi trường bên ngoài. Tuyệt đối không có các thao tác làm phát sinh tia lửa (bật bếp, bật công tắc đèn, quạt điện...), vì nguy cơ nổ có thể xảy ra.

Trong khi đó, nếu xe cháy khi đang chạy trên phố thì cần kêu gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh, cách ly xe cháy. Ngoài việc sử dụng vật dụng thô sơ để ngăn chặn như bình cứu hoả bột hoặc khí, áo, chăn thấm nước thì gọi lực lượng chữa cháy 114 để kịp thời dập tắt đám cháy, đồng thời tránh xa phương tiện đang cháy đề phòng nổ bình nhiên liệu.

Theo VnMedia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm