Họa sĩ Trang Thanh Hiền dạy trẻ làm mặt nạ đón Trung thu

09/09/2015 12:06 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu là tên dự án do họa sĩ Trang Thanh Hiền cùng các bạn sinh viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam khởi xướng sẽ khai mạc sáng 13/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đây là một dự án bên cạnh việc giáo dục mỹ thuật còn là dự án thiện nguyện hướng về trẻ em nghèo của trường Tiểu học Suối Bau, Sơn La.

Mục đích trước hết của dự án là muốn muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện để các em nhỏ và phụ huynh ghé thăm lại một phần văn hóa đang dần biến mất. Tại đây, hơn 300 em đăng ký tham gia chương trình này sẽ được các bạn sinh viên mỹ thuật hướng dẫn cách bồi mặt nạ, các sử dụng bút lông, lấy màu và rửa bút...

Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi, công đoạn đầu tiên là phải tạo hình bằng đất sét khuôn hình mặt nạ nhân vật mong muốn. Công đoạn này chỉ có người lớn mới có thể làm. Sau đó đến phần việc bồi những lớp giấy bản chồng lên nhau. Cuối cùng là sơn vẽ mặt nạ sao cho sinh động, hấp dẫn bằng sơn ta pha với màu tự nhiên.

Trong số các loại mặt nạ Trung thu, mặt nạ ông Địa (thổ thần, thổ địa), đầu lân, mặt nạ thỏ ngọc, khỉ, trâu, lợn... phản ánh lớp văn hóa nông nghiệp và Phật giáo là không thể thiếu. Qua quá trình tiếp biến văn hóa, các loại hình mặt nạ Trung Thu ở Việt Nam đã có thêm rất nhiều những nhân vật mới các nhân vật hoạt hình sói và thỏ trong phim Hãy đợi đấy, các mặt nạ búp bê Nga, rồi cả hình ảnh “Thị Nở, Chí Phèo” từ văn học Việt bước vào đời sống dân gian một cách tự nhiên.


Họa sĩ Trang Thanh Hiền và khuôn hình những chiếc mặt nạ

Đặc biệt, với vai trò diễn giả, trong sự kiện này, họa sĩ Trang Thanh Hiền, giới thiệu về truyền thống mặt nạ Trung Thu ở Việt Nam và các loại hình mặt nạ trên thế giới. Đây cũng là điểm nhấn của dự án. Nữ họa sĩ chia sẻ: “Không biết từ bao giờ những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi đã được ra đời cho những dịp Tết Trung thu của con trẻ khắp các làng quê Bắc bộ của người Việt. Đây cũng là loại đồ chơi kỳ công nhất trong số các đồ chơi dân gian.

Trước đây, mặt nạ thường do bố mẹ hướng dẫn trẻ tự làm. Sau này được chuyên môn hóa thành làng nghề, phố nghề, các nghệ nhân làm mặt nạ mang đi bán ở khắp các làng quê với mẫu mã phong phú. Ngày nay, khi nghề dân gian truyền thống bị mai một, làm mặt nạ cũng chỉ còn vài nhà ở Hàng Lược, Hàng Mã.

Khởi động dự án này, mục đích của họa sĩ Trang Thanh Hiền không chỉ khơi dậy tình yêu đối với truyền thống dân tộc, mà còn để trẻ có thể tự làm ra những chiếc mặt nạ của riêng mình. Điều này cũng góp phần hạn chế sự tràn ngập của các loại hình đồ chơi hay mặt nạ Trung Quốc đổ về Việt Nam mỗi dịp Trung Thu.

Kết thúc chương trình, các tác giả của những chiếc mặt nạ xuất sắc nhất sẽ được trao một phần quà của Nhà xuất bản Kim Đồng và các giải đặc biệt sẽ kèm thêm một xuất học bổng học mỹ thuật ở các trung tâm mỹ thuật tại Hà Nội.

Kết quả của dự án này, không chỉ là tạo nên các hoạt động cho Trung Thu của trẻ em thành phố, một số mặt nạ sáng tạo của các bé sẽ được bán để gây quĩ. Một triển lãm gần 30 tác phẩm mặt nạ của các họa sĩ tên tuổi như: Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Trịnh Tuân, Lê Thông, Trịnh Minh Tiến, Tô Chiêm… sẽ được trưng bày trong không gian Bảo tàng.

Toàn bộ các tác phẩm này sẽ được bán gây quỹ cho việc xây dựng trường học, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau (huyện Phù Yên, Sơn La). Sau ngày khai mạc tại Bảo tàng mỹ thuật, dự án, sẽ được tiếp tục triển khai tại địa điểm khác như không gian của Laca tại 24 Lý Quốc Sư cho đến tận Trung Thu 2015.

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm