Xem 'Huyền thoại gò Rồng Ấp': Một cách lý giải cảm động về lịch sử

25/07/2019 19:11 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng, vở kịch Huyền thoại gò Rồng Ấp vừa tôn vinh lịch sử - văn hóa của dân tộc, vừa đề cao tình mẫu tử, sự lương thiện và những giá trị phẩm chất đạo đức mà con người cần có ở bất cứ thời đại nào.

Khởi công vở 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp': NSND Lệ Ngọc 'đổi vai' để thử thách mình

Khởi công vở 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp': NSND Lệ Ngọc 'đổi vai' để thử thách mình

Sáng 17/6 tại Hà Nội, sân khấu Lệ Ngọc tổ chức khởi công vở kịch Huyền thoại Gò Rồng Ấp. Sau thành công rực rỡ của Tấm Cám, dự án mới của sân khấu Lệ Ngọc được quan tâm ngay khi công bố.

Đây là tác phẩm sân khấu do đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên dàn dựng từ kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ.

Cắt nghĩa sự ra đời của Lý Công Uẩn

Kịch bản được viết dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khai quốc của triều Lý.

Theo đó, Lý Công Uẩn được cho là con của bà Phạm Thị Ngà – một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, giúp việc ở chùa Tiêu. Phần mộ của bố mẹ Thị Ngà được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn đem đến táng ở gò Rồng Ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng.

Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, sau đó trở về Thị Ngà đã mang thai. Khi đó, thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng, ba mươi sáu năm sau đó sẽ có một triều đại lẫy lừng, đó chính là triều Lý. Gò Rồng Ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở diễn "Huyền thoại gò Rồng Ấp"

Cùng thời điểm đó, ở hương Diên Uẩn, con gái của phú hộ Hồng Kỳ cũng “không chồng mà chửa”. Biết chuyện điềm báo, Hồng Kỳ đã bốc mả cha mình đem táng ở gò Rồng Ấp, rồi thay đổi thành họ Lý với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Cùng với đó, gia đình phú hộ cũng tìm mọi cách để hãm hại Thị Ngà.

Thị Ngà chỉ có một thân một mình, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Vạn Hạnh và những người tốt bụng xung quanh đã vượt qua các kiếp nạn. Đến kỳ sinh nở, Thị Ngà bị hại đến sức cùng lực kiệt không thể sinh nở, phải dùng mảnh sành tự rạch bụng, hy sinh mạng sống của mình để đứa bé chào đời.

Chú thích ảnh

Điểm nhấn khiến Huyền thoại gò Rồng Ấp lôi cuốn khán giả là vở kịch đã tìm cách lý giải khá rõ ràng nguồn gốc của Lý Công Uẩn: ông được hình thành trong lòng một người mẹ kiên cường là Thị Ngà và được thiền sư Vạn Hạnh che chở ngay từ khi cậu bé chưa sinh ra. Xuyên suốt vở diễn, người xem được trải qua những cảm xúc tò mò, hồi hộp, sau đó là vỡ òa cảm xúc bởi sau tất cả những kiếp nạn, cuối cùng Thị Ngà dù có phải hi sinh tính mạng mình cũng bảo vệ con được chào đời.

Điều chỉnh để hoàn thiện hơn

Góp phần tạo nên vở diễn Huyền thoại gò Rồng Ấp, dàn diễn viên của sân khấu Lệ Ngọc đã nhập vai khá tốt. Các vai chính Thị Ngà do NSND Lệ Ngọc đảm nhiệm, hay các nghệ sĩ Tùng Linh vai thiền sư Vạn Hạnh, Thanh Bình vai phú hộ Hồng Kỳ, Hương Thủy vai bà phú hộ Hồng Đào, Anh Đào vai Thị Nhài... đều hoàn thành ấn tượng vai diễn của mình.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Đặc biệt, NSND Lệ Ngọc đã khắc họa khá ấn tượng được hình ảnh Thị Ngà - một người phụ nữ hiền lành, chất phác, nhưng lúc mang thai đã mạnh mẽ, kiên cường bảo vệ con. Vở diễn cũng làm nổi bật được tình mẫu tử thiêng liêng từ lúc Lý Công Uẩn chưa chào đời, thông qua những cảnh Thị Ngà gặp và trò chuyện với con trai ở trong giấc mơ.

Mặc dù vậy, trong ngày đầu công diễn, người xem thấy có chút tiếc nuối và hụt hẫng khi vở kịch đã quá sa đà vào việc tìm cách cắt nghĩa nguồn gốc xuất hiện của Lý Công Uẩn và “tham” khắc họa tính cách, sự gian xảo của gia đình phú hộ, mà quên nhấn vào những thử thách, khó khăn Thị Ngà phải trải qua.

Chú thích ảnh

Việc điều chỉnh thời lượng để phù hợp nhu cầu người xem cũng cần thiết khi vở diễn quá dài – hơn 2 tiếng đồng hồ. Nhiều cảnh diễn nên tiết chế, “nén” bớt lại như cảnh bé Ấm Sứt và Quắt ở phần đầu, cảnh gia đình phú hộ điều tra chuyện Thị Nhài chửa hoang, hay cảnh 3 vị thiền sư nói về triều đình… vì làm loãng chủ đề của vở kịch.

Huyền thoại gò Rồng Ấp chính thức được công diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam từ 23 - 26/7, sau đó sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9 ở Nam Ninh (Trung Quốc), và dự định tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm