Man United, Arsenal và hậu quả của 'mô hình triều đại'

18/03/2016 12:42 GMT+7

(lienminhbng.org) - Nhìn lại những CLB như Man United thời hậu Sir Matt Busby và Dynamo Kiev hậu Valeriy Lobanovskyi có thể đưa ra nhiều kiến giải quan trọng về Man United hậu Sir Alex Ferguson.

Những vấn đề của Man United vẫn là quá khó giải quyết, quá sâu sắc và phức tạp. Nó không nằm ở Van Gaal, ở đội hình, ở ban lãnh đạo hay ở việc không đưa được về các siêu sao. Vấn đề ở Old Trafford mang tính cấu trúc và nền tảng: Họ đã là đội bóng của chỉ một người trong suốt gần 3 thập kỷ.

Man United, kể từ khi sân Old Trafford được xây năm 1910, đã là thế lực thống trị ở bóng đá Anh với nhiều danh hiệu VĐQG nhất trong lịch sử. Vậy mà, chỉ có 3 HLV từng làm được điều đó với CLB áo đỏ. Cũng chính vì thế, Man United là một đội bóng kỳ lạ, thậm chí là kỳ quặc. Không có mấy CLB mà HLV lại được trao nhiều quyền lực như thế, khi những người như Ferguson không chỉ quyết định bố trí đội hình đá chính, chiến thuật, con người, mà cả mua cầu thủ nào, bán ai, thậm chí là các vấn đề kinh doanh, và tối thượng, triết lý vận hành của đội bóng.

Ở hầu hết các đội bóng khác, HLV chỉ là một bộ phận, dù quan trọng, của cả guồng máy. Sự phân tán quyền lực cho các giám đốc kỹ thuật, bóng đá, kinh doanh, tuyển dụng… khiến cho khi một HLV ra đi, ông ta không để lại lỗ hổng quá lớn và sự thay thế có thể diễn ra mà không cần quá nhiều đảo lộn và ồn ào.


Man United là đội giành nhiều chức VĐQG nhất trong lịch sử bóng đá Anh

Nhưng có vẻ như văn hóa bóng đá Man United, và ở Anh nói chung, đều nhắm tới việc xây dựng một triều đại: ai cũng muốn những Bill Shankly, Busby hay Don Revie. Ngay cả Jose Mourinho, một kẻ du mục vĩ đại, cũng nói về kế hoạch 10 năm và một thời đại thành công khi quay lại Chelsea lần thứ 2. Mô hình lý tưởng là một nhóm cầu thủ cây nhà lá vườn, gắn bó với CLB nhiều năm là trụ cột, rồi bổ sung bởi những chữ ký đắt giá. Khi mô hình đó thành công, nó thành công vang dội, như với Busby và Ferguson (hay ở một mức độ thấp hơn, Barcelona và Bayern). Nhưng vấn đề là những gì tới sau đó, khi những cá nhân kiệt xuất xây dựng nên mô hình đó phải ra đi.

Vấn đề của Man United thời hậu Matt Busby

Sau chiếc Cúp C1 năm 1968, Man United bắt đầu đứng trước một cuộc khủng hoảng triều đại. Busby, với đội hình áo đỏ xuất chúng thứ 3 của ông, đã giành phần thưởng lớn nhất có thể, biến Man United thành đội bóng Anh đầu tiên giành Cúp C1, sau thảm họa Munich 10 năm trước đó. Tháng 1/1969, Busby tuyên bố ý định về hưu vào cuối mùa. Ông mới 59 tuổi, nhưng đã làm HLV 24 năm và nỗi ám ảnh Munich đã khiến ông kiệt quệ về cảm xúc. “Tôi nghĩ đã tới lúc rồi”, ông nói. “Để ai đó tiếp quản công việc này. Man United giờ còn hơn là một CLB bóng đá”.

Busby có vẻ muốn nhận một việc gì đó như giám đốc thể thao và cố vấn cho HLV sẽ thay thế ông. Người được lựa chọn là Wilf McGuinness, từng chơi cho nhiều lứa trẻ ở Old Trafford trước khi chuyển sang làm cho ban huấn luyện vì một chấn thương gãy chân. Mùa đầu tiên của McGuinness bắt đầu chậm rãi: Man United về đích thứ 8 và vào bán kết 2 giải cúp.

Mùa sau đó, khi George Best ngày càng ít tập trung vào bóng đá, họ thua ở bán kết League Cup dưới tay đội hạng Ba Aston Villa và chơi tệ hại ở giải VĐQG. Hai thất bại liên tiếp trên sân nhà dưới tay Man City và Arsenal khiến vào Giáng sinh, họ đứng thứ 18, với những tin đồn lan nhanh về sự bất mãn trong phòng thay đồ. McGuinness bị sa thải vào ngày 28/12 và chuyển sang làm HLV đội dự bị không lâu trước khi rời CLB mãi mãi.


Sir Matt Busby (bên phải) và người kế nhiệm ông, Frank O’Farrell

Busby quay lại, và Quả bóng Vàng George Best lại chơi hay. Man United hồi phục kịp để về đích hạng 8. “Không ai muốn chơi bóng cho Wilf, thật đáng buồn”, tiền vệ David Sadler nói. “Cả đội không chơi hết mình vì ông ấy, đơn giản là thế. Ngay khi Sir Matt trở lại, mọi thứ thay đổi”. Một phần vấn đề là đã không có sự phân công phân nhiệm rõ ràng. McGuinness, theo lời Busby, “quá gần gũi” với các cầu thủ, và không áp đặt được quyền uy của mình. Trong khi đó, Busby, với một ghế trong văn phòng điều hành, vẫn là người có tiếng nói cuối cùng trong gần như mọi vấn đề quan trọng.

Mùa Hè năm 1971, Man United mời về HLV Leicester City Frank O’Farrell, người nói chỉ nhận việc nếu Busby rời phòng điều hành. Best lúc đó đã bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp và lóe sáng trước khi tắt hẳn, Man United thắng 14 và thua 2 trong 20 trận đầu mùa. Dù hòa 3 trận liên tiếp giai đoạn Giáng sinh, họ vẫn dẫn đầu cho tới cuối tháng 12. Tuy nhiên, đội bóng của O’Farrell thua 0-3 ở West Ham vào ngày đầu năm mới, trận đầu tiên trong chuỗi 7 thất bại liên tiếp khi Best một lần nữa chơi thất thường. Mùa đó, Man United về đích hạng 8.

TRANH CÃI: Premier League thảm bại vì cách làm bóng đá 'ngu ngốc'

TRANH CÃI: Premier League thảm bại vì cách làm bóng đá 'ngu ngốc'

Ba đội bóng La Liga lọt vào vòng Tứ kết Champions League, ba đội La Liga khác có mặt ở Tứ kết Europa League. Trong khi đó, Premier League chỉ còn hai đại diện ở cúp châu Âu là Manchester City (Champions League) và Liverpool (Europa League).


Phong độ tồi tệ tiếp tục ở mùa sau khi Man United chỉ thắng 1/12 trận đầu ở giải vô địch Anh. O’Farrell cho rằng Busby vẫn tiếp tục can dự vào công việc của CLB, như ngăn không cho ông mua các cầu thủ, đáng kể nhất là Alex Stepney và Willie Morgan. Quan hệ của ông với Busby xấu đi, lên đến đỉnh điểm sau trận thua 1-4 dưới tay Tottenham vào tháng 10. Trong bữa tiệc hàng năm của CLB, Busby, đã uống khá nhiều, nói với Anne, vợ của O’Farrell, rằng chồng bà là “một gã rất khó chịu” và O’Farrell lẽ ra phải trọng dụng Bobby Charlton thay vì Martin Buchan. Anne về kể lại với chồng, và O’Farrell coi đó là sự can thiệp quá thô bạo vào công việc của ông.


Tommy Docherty đã thay thế O’Farrell trên ghế chỉ đạo HLV ở Man United

Trận thua 0-5 dưới tay đội bét bảng Crystal Palace vào tháng 12 là giọt nước làm tràn ly. O’Farrell bị sa thải và thay bằng Tommy Docherty, người đưa CLB trở lại hạng Nhất sau khi rớt hạng năm 1974, rồi cạnh tranh cho chức vô địch và giành Cúp FA. Nhưng rồi năm 1977, Docherty bị sa thải sau khi tuyên bố sẽ chuyển về sống với vợ của chuyên gia thể lực của đội.

Busby luôn bác bỏ những tin tức nói ông can dự trực tiếp vào đội bóng, nhưng nhiều người tin rằng sự hiện diện của ông đã khiến những người kế vị rất khó làm việc. Trong cuốn hồi ký in năm 1973 của ông, Soccer at the Top, Busby giải thích: “Làm sao tôi có thể rời nơi đó? Làm sau tôi có thể bỏ CLB mà tôi đã xây dựng từ đống tro tàn của chiên tranh và thảm họa kinh hoàng ở Munich, một CLB mà tôi yêu tha thiết, mà tôi sẵn sàng chết vì nó?”

Đi từ thái cực này tới thái cực khác, Liverpool có vẻ rút tỉa bài học của Man United-Busby và cấm Bill Shankly tới sân tập của họ sau khi ông về hưu năm 1974!

Dynamo Kiev hậu Lobanovskyi

Có lẽ ở tầm thế giới, nhân vật giống với Ferguson nhất là Valeriy Lobanovskyi, người đã “trị vì” Dynamo Kiev từ năm 1973 tới khi ông qua đời năm 2002, với chỉ 2 lần gián đoạn: 1982-84 và 1990-97. Ông cũng thành công ngoài vang dội, giành 12 chức VĐQG, 9 cúp quốc gia và 2 Cúp C2, cũng như tạo dựng nên đội bóng có lẽ là vĩ đại nhất của bóng đá Liên Xô trước đó và Đông Âu sau này. Thay thế ông là một nhiệm vụ bất khả thi.

HLV Dynamo hiện giờ, Serhiy Rebrov, là người thứ 8 cố gắng làm điều đó (Jozsef Szabo và Yuri Semin đều ngồi ghế nóng 2 lần) và có vẻ như anh đã dần đưa được đội bóng thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng hậu Lobanovskyi. Đầu tiên, Dynamo tìm cách tạo sự kế thừa với Oleksiy Mykhaylychenko, người đã chơi bóng cho Lobanovskyi, rồi thành trợ lý của ông. Mykhaylychenko giành 2 chức VĐQG và 1 cúp quốc gia trước khi bị sa thải năm 2004 sau trận thua 1-2 trên sân nhà trước Trabzonspor ở vòng sơ loại Champions League.

“Rõ ràng là các vấn đề cấu trúc bên trong đội bóng ngăn cản Dynamo phát triển và tiến lên”, Chủ tịch CLB Ihor Surkis nói về việc sa thải Mykhaylychenko. “Vấn đề là tâm lý, tinh thần. Chúng ta đã thay điều đó trong trận gặp Trabzonspor. Năm ngoái, 80.000 CĐV đã đứng lên vỗ tay sau khi chúng ta đánh bại Arsenal, còn giờ những gì tôi nghe thấy chỉ là sự hổ thẹn”.


Valeriy Lobanovskyi “trị vì” Dynamo Kiev từ năm 1973 tới khi ông qua đời năm 2002

Dynamo tiếp tục dùng các cựu cầu thủ của Lobanovskyi làm HLV, điều cũng là dễ hiểu bởi lẽ chẳng có mấy cầu thủ tên tuổi ở Ukraina mà lại không phải học trò Lobanovskyi. Nhưng rồi Shakhtar nổi lên, và Dynamo bắt đầu gặp khó khăn. Szabo, Leonid Buryak, Anatoliy Demyanenko, Szabo một lần nữa, Oleh Luzhny tạm quyền… 4 năm thay đổi liên tục chỉ mang về 1 danh hiệu, điều khó chấp nhận với tầm vóc của Dynamo ở Ukraina.

Bất cứ ai bước vào sân nhà của Dynamo (sân Lobanovskyi) phải đi qua một bức tượng của Lobanovskyi, và sẽ phải gặp các cầu thủ của ông ở khắp nơi. Szabo thừa nhận mỗi khi gặp khó khăn, ông sẽ tự hỏi mình: “Trong tình thế này, Valeriy Valentinovich sẽ làm gì?”

Tháng 12/2007, quyết thoát ra khỏi nỗi ám ảnh đó, Dynamo phá vỡ truyền thống của họ và bổ nhiệm một kẻ “ngoại đạo”: Yuri Semin, một người Moscow không có liên hệ trực tiếp gì với Lobanovskyi. Ông vô địch Ukraine trong mùa trọn vẹn đầu tiên với Dynamo, nhưng rồi bị đội bóng cũ Lokomotiv lôi kéo trở lại Nga. Một người Nga nữa, Valery Gazzaev, được bổ nhiệm thay Semin, nhưng không thành công. Một cựu cầu thủ của Lobanovskyi, Alyaksandr Khatskevich, đảm nhiệm vị trí HLV tạm quyền, rồi Mykhaylychenko được trao thêm 1 tháng, trước khi Dynamo bổ nhiệm chính thức Oleh Blokhin.

Ông là Ryan Giggs của Lobanovskyi, một học trò cưng, người tin tưởng trung thành và đá tiền đạo 19 năm cho Dynamo. Nhưng Blokhin vẫn thất bại. Tháng 4/2014, 18 tháng sau khi nhận việc, ông bị sa thải. Thay ông là Rebrov, tiền đạo ngôi sao của đội bóng vĩ đại cuối cùng dưới thời Lobanovskyi, đội bóng đã vào bán kết Champions League 1999. Rebrov từng chơi bóng ở Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Anh là trợ lý của Blokhin, nhưng với tư duy và tầm nhìn cởi mở hơn. Rebrov vô địch Ukraina trong mùa đầu tiên, dù cũng có yếu tố khách quan là Shakhtar gặp nhiều khó khăn vì chiến sự và bất ổn chính trị ở Đông Ukraine.

Vấn đề của Man United hiện tại rất nghiêm trọng

Trong cả hai ví dụ, vấn đề lớn nhất là việc các đội bóng đã quá phụ thuộc vào chỉ một người. Tất cả những gì McGuinness và O’Farrell làm đều bị mang ra so sánh với Busby: Rằng họ đang làm theo ông hay chống lại ông. Các HLV Dynamo kế tiếp nhau cũng thế.

Giống như thế với Man United hiện giờ. David Moyes hẳn từng tự hỏi như Szabo rằng Ferguson làm gì ở tình thế của ông. Van Gaal thì không, nhưng ngay cả Van Gaal cũng bị mang ra so sánh sau mỗi thất bại.

Paul Scholes đã nói xấu về Van Gaal như thế nào?

Paul Scholes đã nói xấu Van Gaal như thế nào?

Với vai trò là bình luận viên, Paul Scholes đã không ít lần giành những lời lẽ nặng nề về Louis van Gaal, HLV của Man United.

 

Busby, Lobanovskyi và Ferguson là những tên tuổi không thể hạ bệ, dù cho là vì mục đích tốt đẹp với CLB. Vì thế, cách làm của Liverpool, sự dứt khoát có thể bị coi là nhẫn tâm và thiếu tình người với Shankly, hóa ra lại là điều có ích cho đội bóng. Thật vậy, ở Anh không CLB nào xử lý cuộc chuyển giao từ một triều đại tốt như thế (Arsenal sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề này, và thật thú vị chờ đợi Arsene Wenger sẽ hành xử như thế nào, và đội bóng làm gì với ông sau khi HLV người Pháp về hưu).


Man United sa sút kể từ sau khi Sir Alex rời khỏi cương vị HLV

Vấn đề của Man United hiện tại có thể còn nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng, bởi không chỉ Ferguson ra đi. Giám đốc điều hành lâu năm của ông David Gill cũng đã rời CLB theo bước HLV người Scotland. Xung đột đã xảy ra giữa những giám đốc mới, có tư tưởng kinh doanh cấp tiến và thiên về thương mại với những người cũ, coi trọng truyền thống bóng đá, chủ yếu là thế hệ 1992, ở CLB.

Ed Woodward, CEO mới, đã khởi động một quá trình chuyển giao và chính sách chuyển nhượng khá lộn xộn, dẫn tới một đội hình không có tính cố kết. Đáp lại việc Man City bổ nhiệm Pep Guardiola mùa Hè tới, Woodward có thể sẽ lại tìm một HLV ngôi sao nữa, như Jose Mourinho chẳng hạn. Nhưng sự có mặt của chiến lược gia người Bồ Đào Nha tại Old Trafford sẽ không thể giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc của CLB. Họ rồi sẽ lại phải mua thêm nhiều cầu thủ đắt giá, bỏ qua cơ hội cho những người trẻ và tìm cách giành lấy thành tích bằng mọi giá.

Đó rõ ràng không phải là Man United.

Trần Trọng
Theo The Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm