28/01/2012 18:04 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Online) - Quả cầu gỗ mít nặng tới hơn 20kg hết được tung lên rồi bê, vần, giành giật chỉ để được đưa xuống những chiếc hố nhỏ ở 4 góc sân. Đó là cách mà trai làng Thúy Lĩnh thể hiện sức mạnh của mình trong cuộc thi vật cầu.
Vật cầu là phần hội sôi động nhất diễn ra vào ngày thứ 3 của dịp lễ hội của làng Thúy Lĩnh nằm bên ven bờ sông Hồng, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây không chỉ là nơi người dân làng thể hiện nét văn hóa đặc sắc của làng mình mà còn cho thấy tinh thần thượng võ, tôn thờ sức mạnh thể chất của những người con đất Việt.
Mời bạn đọc cùng Thể thao và Văn hóa Online xem chùm ảnh trai làng Thúy Lĩnh thể hiện sức mạnh với cuộc thi vật cầu có một không hai ở Việt Nam.
Hàng năm, lễ hội làng Thúy Lính bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng và kết thúc vào ngày mùng 7 với lễ tế trời đất. Riêng chiều ngày mùng 6, hội vật cầu của làng sẽ diễn ra tại sân đình với sự tham gia của tất cả nam giới từ nhi đồng cho tới các bậc trung niên.
Trọng tài sẽ phải là một cụ cao tuổi, từng tham gia vào các cuộc vật cầu và nắm rõ luật lệ để đảm bảo công bằng cho các đội tham gia. Mỗi trận đấu sẽ có 4 đội tranh cầu và đưa cầu về lỗ của mình để ghi điểm. Đối với các cháu nhi đồng, quả cầu gỗ sẽ được thay bằng quả bòng để đảm bảo về sức lực. Người tham gia thi đấu phải cướp được quả cầu và sau đó nhanh chóng đưa về lỗ để ghi điểm. Tuy nhiên để ghi được điểm không phải là dễ bởi người có cầu sẽ gặp phải sự truy cản quyết liệt của 6 đối thủ của 3 đội còn lại. Chính vì vậy, dù cầu có đưa được gần đến lỗ cũng chưa chắc đã ghi được điểm. Đôi khi sự giằng co kéo dài tới vài phút bởi tất cả các cầu thủ đều quyết tâm cướp được cầu. Theo luật, mỗi khi ghi điểm, đội sẽ được thưởng tiền. Ghi 1 điểm sẽ đạt giải con. Ghi 3 điểm liên tiếp thì đạt giải cái. Người dân hoàn toàn có thể ủng hộ đội mình yêu thích bằng cách góp tiền thưởng nếu đội đó ghi được điểm. Trong khi các đội nhi đồng chơi cầu bưởi, thiếu niên chơi cầu nhỏ, thì thanh niên và trung niên sẽ chơi cầu lớn bằng gỗ mít quét sơn son, nặng tới hơn 20kg. Mặc dù với sức vóc của mình, việc nâng cầu không phải là khó nhưng để tranh một quả cầu tròn, khá nặng trong sự truy cản của 6 đối thủ còn lại là điều không dễ. Có nhiều cách để các cầu thủ giữ hoặc lừa cầu. Việc đưa cầu lên cao sau đó rình đẩy cầu về phía lỗ của mình là một cách. Cầu liên tục được các cầu thủ đẩy về phía góc của mình nhưng cũng không quên phải truy cản các đối thủ của đội kia. Đôi khi cầu đã nằm ở mép lỗ nhưng do sự truy cản của đối thủ, quả cầu không thể vào nơi nó cần phải nằm. Đôi khi có những cầu thủ không trực tiếp tranh cầu mà đứng vòng ngoài chờ đồng đội đẩy ra và cướp cầu chạy thẳng về hố của mình ghi điểm. Với những cầu thủ có chiến thuật tốt, sức khỏe và đặc biệt có sự hỗ trợ tốt từ đồng đội, sẽ dễ được điểm hơn. Chính vì không dễ gì ghi điểm nên ở các trận đấu cầu của lứa tuổi thanh niên, trung niên, đôi khi cả trận chỉ có 2-3 lần các đội ghi được điểm, thậm chí có đội không ghi được điểm nào. Sau mỗi lần ghi điểm, các cầu thủ sẽ phải bái Thành Hoàng làng để tỏ lòng biết ơn. Mặc dù có sự đối đầu rất quyết liệt nhưng hầu hết người tham gia đều coi đây là một trò chơi vui vẻ và hầu như không xảy ra những va chạm đáng tiếc nào (trừ những trường hợp bị thương do va chạm hoặc quả cầu đập vào cơ thể, chân tay).
Đôi khi các cầu thủ có những "chiêu" khá độc như chuyền cầu bằng cách tung. Đây là cách chuyền cực khó bởi đòi hỏi sự phối hợp ăn ý của 2 cầu thủ (đai xanh). Ngoài ra người bắt cầu cũng phải có thể lực tốt để hứng cầu. Lợi thế của cú chuyền này là khiến đối phương hoàn toàn bất ngờ. Theo tục lệ, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm được may mắn và hạnh phúc. |
C.M.T
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất