05/08/2021 10:58 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mùa đầu tiên áp dụng Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã khởi động và mang đến nhiều cảm xúc đối với những nghệ sĩ được “nhắc tên”. Với nhiều quy định “nới lỏng”, lần xét tặng này được kỳ vọng sẽ tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót những tài năng xuất sắc, những cá nhân xứng đáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sẽ là “tăng lượng, giảm chất” danh hiệu như dư luận đang băn khoăn.
Những thay đổi trên thực tế
Bộ VHTTDL vừa mới đăng tải danh sách 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 của các lĩnh vực múa, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, được trình lên bởi các Hội đồng cơ sở, bao gồm 53 hồ sơ NSND và 68 hồ sơ NSƯT. Trước đó, Hội đồng cơ sở của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu, trong đó, Hà Nội công bố 48 hồ sơ và TP Hồ Chí Minh 57 hồ sơ đủ điều kiện.
Trong danh sách đề cử năm nay của các Hội đồng cơ sở, công chúng dễ dàng nhận thấy có nhiều gương mặt nổi tiếng, tài năng và nhiều cống hiến. Đề nghị xét tặng NSND có thể kể đến những cái tên sáng giá trên khắp các lĩnh vực như NSƯT Lê Đại Chức, Đức Trung, Phạm Chí Trung, Trần Lực, Lê Ngọc Huyền, Đức Khuê, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Thanh Loan, Thoại Mỹ, Kim Huệ, Thanh Thúy, Thanh Điền, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc, Trần Đức, Thanh Tú, Bùi Xuân Hanh, Thu Huyền, Tấn Minh, Bùi Công Duy, Thanh Lam, Trần Ly Ly… Hồ sơ đề cử NSƯT lại nổi bật với nhiều gương mặt trẻ được công chúng yêu mến như Quý Bình, Huỳnh Đông, Đại Nghĩa, Việt Anh…
Khác với mùa xét tặng trước, ngoài việc dành quan tâm cho những cái tên được đề cử, thì lần này dư luận còn lưu tâm đến sự nới lỏng các quy định trong Nghị định mới sẽ đưa tới những thay đổi trên thực tế như thế nào. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) dự báo, số hồ sơ xét danh hiệu lần thứ 10 có thể sẽ tăng do “Nghị định 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng. Trước đây, dư luận đã có những lần dậy sóng khi một số gương mặt nghệ sĩ tài năng, được công chúng yêu mến nhưng chưa đáp ứng tiêu chí giải thưởng. Ngoài ra, tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận của hội đồng cũng được điều chỉnh từ 90% xuống còn 80%...”, ông Cẩn phân tích.
Việc “tháo nút” khi giảm tỷ lệ phiếu đồng ý thông qua của các thành viên Hội đồng xuống 80% được cho là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng số lượng hồ sơ. Bởi trước đây, số hồ sơ nằm ở tỷ lệ phiếu thông qua từ 81-89% khá đông. Với quy định 80%, số lượng hồ sơ “chấp chới” này giờ đây sẽ nằm ở vùng an toàn. “Những trường hợp đặc biệt, không đáp ứng đủ tiêu chí về giải thưởng nhưng tên tuổi có sức lan tỏa, được công chúng yêu mến cũng không có nhiều…”, ông Cẩn cho biết. Chưa kể, những trường hợp được xem là đặc biệt cũng phải được các cấp Hội đồng xem xét rất kỹ lưỡng theo những tiêu chí về tuổi tác, loại hình nghệ thuật, quá trình cống hiến…
Sự thận trọng của Hội đồng
Ông Phùng Huy Cẩn khẳng định, không phải vì nới lỏng một số quy định để tháo gỡ những nút rối trước đây mà khiến nảy sinh bất cập “tăng lượng, giảm chất” của danh hiệu. Theo Nghị định, tiêu chí đưa vào trường hợp đặc biệt được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá rồi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gồm: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế…
“Ở đây, phải hiểu rằng quy định về trường hợp đặc biệt chỉ “mở” đối với một số hồ sơ nghệ sĩ vì lý do nào đó không có đủ số huy chương theo quy định, nhưng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định về chuẩn mực đạo đức, ý thức chấp hành kỷ luật, tài năng và sự cống hiến… Nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác thì sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng sẽ đóng vai trò quyết định”, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng nói.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, thời gian qua một số nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng chưa được xét tặng danh hiệu bởi vướng những rào cản về tiêu chí, điều kiện. Nghị định 40 ra đời là sự nỗ lực khắc phục những bất cập này và cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghệ thuật có ít cuộc thi, hội diễn, những nghệ sĩ thực sự tài năng và cống hiến có thể nhận các danh hiệu vinh dự của Nhà nước. “Nhưng không phải vì lý do nới tiêu chí sẽ làm tăng số lượng NSND, NSƯT và giảm chất lượng các danh hiệu này. Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào để các danh hiệu này là thực chất, thực sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng”, ông Sơn nói.
Nới quy định về tỷ lệ, tuy nhiên Nghị định 40 lại yêu cầu chặt chẽ hơn đối với việc phát huy trách nhiệm Hội đồng, với quy định 90% thành viên Hội đồng phải có mặt khi tổ chức phiên họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch ủy quyền. Nghị định 89 trước đây chỉ quy định tỷ lệ 75% thành viên Hội đồng có mặt.
Từng nhiều lần ngồi ghế Hội đồng, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi lần ngồi “ghế nóng” ông lại thấy có những thay đổi để phù hợp điều kiện thực tiễn, nhưng cũng mỗi lần xét tặng lại nảy sinh thêm những vấn đề mới. “Nếu như tất cả có thể định chuẩn bằng Nghị định thì vai trò của Hội đồng sẽ không quá nặng. Thế nhưng thực tế vẫn còn có những nội dung phải xem xét ở góc độ chuyên môn để việc áp dụng Nghị định được chính xác hơn. Chẳng hạn, Nghị định nêu tiêu chí về “sự cống hiến, sức lan tỏa”, nhưng như thế nào là sự cống hiến và sức lan tỏa thì lại đòi hỏi vai trò chuyên môn của Hội đồng…”.
Nâng cao chất lượng Hội đồng và trách nhiệm của từng thành viên vì thế sẽ là yếu tố nhằm đảm bảo chất lượng, độ chính xác và tin cậy của từng danh hiệu được trao tặng. Theo ông Phùng Huy Cẩn, bất cứ Hội đồng nào trong cả 4 cấp đều luôn phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phải thấy “sức nặng” của từng lá phiếu khi xem xét đánh giá. Đặc biệt, khi tỷ lệ phiếu thông qua đã giảm xuống 80% thì từng lá phiếu càng đòi hỏi chất lượng, cũng như việc xem xét, đánh giá đối với những trường hợp đặc biệt càng cần sự khách quan, thận trọng.
NSND Trần Ngọc Giàu cũng chia sẻ, nhiều trường hợp thực tế đòi hỏi Hội đồng phải cân nhắc rất kỹ càng, nâng lên đặt xuống. Mặt khác, đối với cá nhân từng nghệ sĩ, những danh hiệu được trao tặng sẽ không chỉ là những trái ngọt của cả cuộc đời cống hiến mà còn là động lực, là trách nhiệm để mỗi người tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vì sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Theo Báo Văn Hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất