29/04/2014 09:23 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Tối thứ Ba, xem thời sự mà nhà chủ than trời về giá xăng tăng tối đa 189 đồng/ lít. Nào là giá cước vận tải tăng, nào là rau củ quả tăng... “Thuốc, nước, điện, gas, xăng, năm anh em lại lên một chuyến xe “tăng”!”- cậu chủ viết nhanh dòng status Facebook qua điện thoại.
Rồi cả buổi thời sự hôm ấy, cả nhà chủ chỉ xôn xao bàn chuyện chuyến xe “tăng” sẽ kéo lê đồng lương hưu ít ỏi của ông bà. “Trước gắng mỗi tuần có 1 lọ huệ, vừa rẻ, vừa thơm, vừa tươi lâu, giờ có lẽ tôi cũng bỏ nốt thôi”- bà chủ than tức tưởi. Ông chủ cũng ậm ừ nói về kế hoạch bớt bia mỗi ngày...
Sau thời sự ngày thứ Ba, như thường lệ, ông bà chủ thích xem “Ai là triệu phú?”. Bệnh người già, ngày ngày cãi nhau toàn chuyện tủn mủn nên xem truyền hình cũng thích thể hiện hơn thua trong chuyện đoán câu hỏi. Nhưng hôm nay thì không thế. Câu chuyện tranh luận lại hướng về ông dẫn chương trình.
“Ô, cái ông dẫn chương trình này vừa có bài thơ đăng báo hay phết”- ông chủ mở đầu.
Cậu chủ tiếp lời mà mắt vẫn không rời cái màn hình điện thoại to cộ: “Facebook giả bố ơi. Báo lá cải gặp phải Facebook, lá ngón đang lúng túng không biết xử trí thế nào đây”.
Ông bà chủ đều ngơ ngác không hiểu Facebook là cái gì và tại sao báo chí lại có thể lấy nguồn tin từ cái trang người ta có thể làm giả dễ hơn ăn kẹo.
Mà chẳng riêng gì ông bà, chính khổ chủ - nhà báo, MC Lại Văn Sâm - cũng đã phải đăng đàn trên báo để khẳng định Facebook đó không phải của ông. Ông Sâm nói với báo giới: “Sáng nay tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, bình bán của bạn bè. Họ cũng lại tưởng là thơ tôi viết thật sau khi đọc bài báo đó. Tôi đã phải nhắn lại ngay để nói rằng: Đây không phải là tôi, tôi chưa bao giờ làm thơ. Tôi thấy rất khó hiểu là tại sao có ai đó lại lấy tên tôi, chia sẻ điều này điều kia. Thực sự là tôi không hiểu các bạn làm thế với mục đích gì. Trong mọi trường hợp điều này đều không hay”.
Tài khoản Facebook của ông Lại Văn Sâm là giả. Song sự vụ này khẳng định một sự thật: Báo mạng quá dễ dãi với nguồn tin, độc giả quá dễ dàng với thông tin được trích từ Facebook, còn những người tạo tài khoản giả mạo quá dễ để đạt được mục đích với những sự cẩu thả kia. Nhìn chung, “mượn oai hùm” trong thời buổi Facebook này dễ ợt!
2. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, gần đây sốt lên câu chuyện nhân văn đẹp như cổ tích khi cô Đỗ Quyên Quyên (sinh năm 1990, quê Ninh Bình, hiện sống ở Hà Nội) đã liên lạc được với hai ân nhân là anh Vũ Văn Kỷ (sinh năm 1983) và Ngọc Hải (sinh năm 1980) quê xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Hai ân nhân này đã giúp đỡ hai cha con cô trong cơn bạo bệnh từ đường Pháp Vân (Hà Nội) tới tận nhà cô ở Ninh Bình. Hai người này cũng để lại một bức thư dài động viên cô gái trẻ rồi âm thầm ra đi không một dòng nhắn địa chỉ.
Khi vượt qua bạo bệnh, status tìm người thiết tha của cô gái đã được 2.000 lượt chia sẻ và khoảng 500 E-mail giúp đỡ động viên. Những thông điệp thiết tha của cô gái đã đến được với những người ân nhân. Một cuộc gặp cảm động diễn ra khép lại câu chuyện cổ tích.
“Ngày xưa, dù nghĩa tình tới độ nào song rơi vào tình cảnh như thế là quên hẳn nhau luôn rồi.”- bà chủ kể mà giọng nghèn nghẹn khi nghe cậu chủ đọc bài báo về cuộc hội ngộ.
Cậu chủ kể thêm về hàng trăm tổ chức từ thiện, cùng nhiều nhóm người trẻ với những ý tưởng táo bạo đã thành lập và làm nên nhiều việc có ích cho xã hội qua Facebook....
Và cả nhà lại rôm rả bình luận về thế giới ảo mà quên luôn câu chuyện trong thế giới thực khi ngày mai đối mặt với chuyến xe “tăng”...
Remote
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất