Xét xử nghiêm nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được xã hội ủng hộ

20/06/2018 15:55 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sáng 20/6, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp báo về tình hình triển khai công tác của các tòa án trong 6 tháng đầu năm 2018. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì họp báo.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chúc mừng các cơ quan thông tấn báo chí và các phóng viên nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2018.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Trong 6 tháng qua, hoạt động của các tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác. Về cơ bản, Tòa án nhân dân đã hoàn thành các yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra liên quan tới công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, các tòa án đã giải quyết được 193.133 vụ việc trong tổng số 304.348 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 63,5%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 13.582 vụ; đã giải quyết tăng 6.821 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,02%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao (ngồi giữa) chủ trì họp báo. Ảnh: Tuấn Nam/QĐND

Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Trong 6 tháng qua, các tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế và tham nhũng lớn, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả.

Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và án hành chính, các tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng. Theo đó, thành lập các Trung tâm hòa giải gắn liền với tòa án để tiến hành hòa giải trước khi mở thủ tục tố tụng. Kết quả thực hiện thí điểm sau 3 tháng cho thấy, các Trung tâm hòa giải gắn liền với tòa án đã hòa giải thành 61,4%  vụ việc thụ lý. Dự kiến sau 6 tháng thực hiện thí điểm, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổng kết mô hình này, làm cơ sở xây dựng Đề án "Đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính" trình các cấp có thẩm quyền xem xét để nhân rộng mô hình này trong toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của các tòa án cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực cụ thể còn chậm so với yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức trong tòa án nhân dân các cấp chưa đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay, còn thiếu các chức danh tư pháp, nhất là chức danh Thẩm phán sơ cấp ở các Tòa án nhân dân cấp huyện, còn để xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật...

Xử lý thẩm phán tuyên án treo vụ dâm ô tại Bà Rịa – Vùng Tàu

Tại buổi họp báo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải đáp một số vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm trong thời gian qua.

Về phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Phiên tòa được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định tố tụng, theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, tất cả các ý kiến, chứng cứ các bên (gồm luật sư, công tố, bị cáo, cơ quan điều tra) đều được đưa ra trước tòa và được Hội đồng xét xử xem xét cẩn trọng. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử mời đến tòa tất cả những người có liên quan, bao gồm cả Bộ Y tế, cơ quan điều tra, điều tra viên. Một số đối tượng vì lý do khác nhau không có mặt tại phiên tòa.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, phiên tòa đã ra quyết định rất đúng đắn, trả lại hồ sơ, chỉ ra các kiến nghị, yêu cầu vòng tố tụng tiếp theo phải thực hiện để đảm bảo vụ án được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh. Theo đó đã kiến nghị khởi tố một số đối tượng, kiến nghị làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan. Tòa cũng yêu cầu làm rõ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội đối với bác sỹ Hoàng Công Lương. “Tại thời điểm này, vụ án đang quay lại vòng tố tụng tiếp theo, tôi không thể nói được oan hay không oan. Mọi việc phải xem xét một cách thận trọng”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi dư luận, báo chí nêu đã cử đoàn công tác xuống Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu hồ sơ, mở phiên tòa, đã hủy án phúc thẩm và y án sơ thẩm. Ông Nguyễn Khắc Thủy đã tự nguyện đi thi hành bản án sơ thẩm; còn thẩm phán tuyên ông Thủy án treo là có vi phạm. “Cơ quan thanh tra, tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Tòa án Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm điểm thẩm phán này. Kết quả kiểm điểm cho thấy, tiêu cực trong tuyên án treo là không có. Đây hoàn toàn do nhận thức pháp luật, băn khoăn về chứng cứ yếu do việc các cháu lúc nói thế này lúc nói thế khác, đã tuyên theo nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho đương sự. Đối với sai sót về nghiệp vụ, chúng tôi đã kiểm điểm và có xử lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Liên quan các giải pháp bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi dâm ô, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong vòng 5 năm (từ năm 2013 tới nay), toàn quốc đã xảy ra 8.110 vụ liên quan xâm hại tình dục trẻ em với các tội danh khác nhau: hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu trẻ em, dâm ô trẻ em... Trong đó, đã xử đúng người đúng tội trên 7.600 vụ tương đương hơn 92%. Số các vụ án phải sửa, trả lại, điều tra bổ sung là 549 vụ tương đương 6,6%. “Tỷ lệ này là cao, yêu cầu là phải hạ xuống”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá.

Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những vụ việc này thường là án truy xét. Khi vụ việc xảy ra thường là chỗ vắng người, chỉ có tội phạm và bị hại; thông thường xảy ra đã lâu nên khả năng phục hồi chứng cứ khó khăn. Trong nhiều trường hợp, sự hợp tác của gia đình, người bị hại đối với cơ quan điều tra rất hạn chế như không chịu làm chứng, không chịu khai báo tố giác, từ chối giám định sức khoẻ… Điều này đã làm cho việc xử lý các vụ án còn hạn chế.

Thời gian tới, ngành Tòa án sẽ nâng cao trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán thông qua đào tạo, tập huấn; tăng cường việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ, ban hành tài liệu giải đáp pháp luật; thay đổi mô hình, hệ thống tòa án chuyên trách, cần thiết tổ chức tòa án chuyên trách giải quyết các án về  hôn nhân gia đình, vị thành niên…

Tội phạm tham nhũng phải bồi thường xong mới được xét đặc xá!

Tội phạm tham nhũng phải bồi thường xong mới được xét đặc xá!

Nhiều ý kiến đề nghị đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm về kinh tế thì phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mới được xét đặc xá. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc kỹ hơn.

TTXVN/Phan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm