Xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo nói lời sau cùng

01/02/2018 19:50 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Chiều 1/2, sau gần 1 tháng xét xử, bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại ngân hàng VNCB đã nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án.

Đứng trước tòa, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) khẳng định, tất cả số tiền liên quan trong vụ án đều được sử dụng cho ngân hàng, chứ không dùng cho việc cá nhân, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, làm rõ dòng tiền đã sử dụng, truy thu để khắc phục hậu quả.

Chú thích ảnh
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên Tòa. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Trong 3 năm tham gia tái cơ cấu VNCB (2012 - 2014), bị cáo Danh nói rằng đã phải huy động khối lượng tiền rất lớn để duy trì việc thanh khoản, chăm sóc khách hàng. Bị cáo phải lấy tất cả tiền của Tập đoàn Thiên Thanh mà gia đình đã gây dựng trong hơn 50 năm qua, tiền của cá nhân, để dùng cho ngân hàng.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank) nói: "Tôi có sai nhưng tôi không cố ý làm trái. Trong quá trình công tác, tôi luôn cố gắng không vi phạm pháp luật và đây là lần đầu tiên...".

Bị cáo Trầm Bê  cho rằng, nếu bị tuyên 5 năm tù là mức án quá nặng, xin Hội đồng xét xử xem xét một mức án như hình phạt "không giam giữ" hoặc mức án thấp nhất và sẽ không kháng án.

Cuối cùng, hai bị cáo gửi lời xin lỗi tới gia đình, cấp dưới, đồng nghiệp vì đã tin tưởng mình mà vướng vào vòng lao lý.

44 bị cáo còn lại cũng lần lượt trình bày bối cảnh phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, mong Hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, khách quan và áp dụng mức án khoan hồng.

Phạm Công Danh bị Viện kiểm sát đề nghị 30 năm tù

Phạm Công Danh bị Viện kiểm sát đề nghị 30 năm tù

Ngày 22/1, phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 phạm tội “ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần luận tội của công tố viên.

Ở giai đoạn 1 của vụ án (gây thiệt hại cho VNCB 9.000 tỷ), các bị cáo: Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) 22 năm tù, Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết (Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù, cùng vì hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,"Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại ba Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Số tiền vay được này, ông Danh đem sử dụng mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả. Ngoài ra, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền của VNCB gửi sang ba ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay nhưng sau đó bị ba ngân hàng trên thu hồi nợ từ chính số tiền gửi này. Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Sau gần 1 tháng xét xử, nhiều vấn đề của vụ án được đưa ra làm rõ, tranh tụng; đáng chú ý là việc thay đổi quan điểm của Viện Kiểm sát so với cáo trạng, từ yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn số tiền hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại của vụ án sang yêu cầu ba ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank phải trả lại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB; việc các lãnh đạo ngân hàng vì nhiều lý do nên không có mặt dù Hội đồng xét xử triệu tập…

Dự kiến, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào ngày 7/2.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm