Làng tôi đã thành thương hiệu rồi!

09/12/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở xiếc mới “Làng tôi”, sau khi ra mắt khán giả Việt Nam vào năm 2005, trong suốt hai tháng gần đây, đã được nhóm nghệ sỹ Việt kiều dàn dựng một phiên bản mới để chuẩn bị lưu diễn quốc tế. Nghệ sĩ Nhất Lý - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Việt – đại diện cho nhóm Việt kiều cho biết:

Nghệ sỹ Nhất Lý
- Làng tôi - chương trình xiếc mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) được một nhóm nghệ sỹ Việt kiều tạo dựng - là thành quả của dự án giao lưu văn hóa Pháp -Việt giữa LĐXVN với Hội đoàn Art-Ensemble (Nghệ thuật - Cùng nhau) trong dịp hè năm 2005. Năm nay, để thực hiện việc đồng sản xuất chương trình giữa LĐXVN và Hội đoàn Scène de la Terre (Sân Khấu Địa Cầu), nhóm nghệ sỹ Việt kiều của Công ty tôi đã dàn dựng một phiên bản mới, dựa theo tinh thần và ý tưởng từ bản dựng cũ. Theo hợp đồng trong ba năm giữa hai bên, Sân khấu Địa Cầu sẽ tổ chức nhiều đợt lưu diễn quốc tế, bắt đầu tại Cộng hòa Pháp từ tháng 6/2009. Nếu chất lượng của chương trình cho phép, Làng tôi có thể sẽ đi lưu diễn xa hơn tại châu Âu và các nước khác trên thế giới. Dự tính, sau hai đợt dàn dựng hoàn thiện vào tháng 2 và tháng 4 sang năm, với sự tham gia của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Làng tôi sẽ chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp lễ hội "Mùa xuân của nước Pháp" trong tháng 5/2009.

* Tham gia phiên bản mới lần này còn có Công ty TNHH Sân khấu Việt, có phải… vì anh là giám đốc?

- LĐXVN và Sân khấu Địa Cầu quyết định giao tránh nhiệm cho Cty TNHH Sân khấu Việt theo dõi về mặt nghệ thuật của dự án tại Hà Nội là vì họ cần chính những người có ý tưởng và đã sáng tạo ra Làng tôi, thực hiện thách đố giảm từ hơn 80 xuống còn 19 nghệ sỹ mà vẫn giữ được tinh thần và chất lượng. Về mặt tổ chức hậu cần thì Sân khấu Việt đã lên lịch làm việc, chọn lựa diễn viên, nhạc công, thay mặt Sân Khấu Địa Cầu chi trả thù lao cho nghệ sĩ trong 5 tuần làm việc và toàn bộ chi phí mua sắm đạo cụ…
 
Tiết mục Làng tôi (cũ) - Ảnh: VNN

* Được biết, việc kết hợp cùng với một hội đoàn ngoại quốc để cho một nhóm nghệ sỹ Việt kiều xây dựng một chương trình thử nghiệm mà chưa có kịch bản chi tiết, chỉ có ý tưởng, lúc đầu đã gây những cuộc tranh cãi…?

- Vâng, kể cả việc chúng tôi chỉ sử dụng nhạc khí dân tộc, không viết một nốt nhạc nào cho âm nhạc của chương trình, các nhạc công chơi ngẫu hứng trên một bản phác thảo ghi bằng chữ, dựa vào tiết tấu của các động tác xiếc, múa của các hoạt cảnh cũng đã gây tranh luận giữa các nhà chuyên môn và bỡ ngỡ, lúng túng cho các nhạc công của cả Làng tôi năm 2005 cũng như năm nay.
 
Ảnh VNN

* Xin anh bật mí bản dựng Làng tôi lần này có gì mới?

- Về nghệ thuật, theo quyết định của nhóm sáng tạo và dàn dựng, Làng tôi vẫn giữ ý tưởng đưa văn hóa Việt vào chương trình xiếc như trước đây, nhưng lấy cây tre làm chất liệu chủ đạo. Khác với Làng tôi cũ, sân khấu lần này được trang trí một cách vừa hiện đại, vừa đơn giản chỉ với vài cây tre cũng chính là đạo cụ. Khai thác triệt để cây tre để tạo ra các tiết mục mới, kỹ thuật mới, theo tôi, không chỉ mang lại thành quả riêng cho Làng tôi mà còn tạo tiền đề cho nhiều tiết mục, chương trình mới của LĐXVN ra đời trong tương lai. Chúng tôi cũng định đổi tên để nhấn mạnh tính chất mới của chương trình, nhưng không tìm được tên hay hơn. Làng tôi đã thành thương hiệu rồi.

Năm nay, khi đại diện cho nhà đồng sản xuất của Pháp để cùng LĐXVN thực hiện chương trình này, chúng tôi một lần nữa rất cảm ơn LĐXVN đã tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần, khuyến khích những người gốc Việt như chúng tôi cùng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi các chương trình trao đổi văn hóa do Việt kiều khởi xướng đã được hai nước Việt Nam và Pháp quan tâm, ủng hộ. Tôi đã quyết định trở về Việt Nam, quê nội của tôi để được sống và làm việc trong một đất nước đang đổi mới từng ngày.
 
Ảnh VNN

* Nhiều năm ở nước ngoài, đã làm kinh doanh và nhiều nghề khác để kiếm sống, sao anh vẫn đau đáu với xiếc, với những ý tưởng đậm chất Việt. Với Làng tôi, nhiều người nói rằng các anh đã tìm ra con đường đi của xiếc Việt?

- Con đường phát triển nghệ thuật không chỉ nằm riêng trong tay ai hay do một người chỉ đạo mà là của cả cộng đồng, tất nhiên vai trò của cá nhân có tác dụng thúc đẩy hoặc ngược lại là kìm hãm. Những Việt kiều đau đáu nhất với ngành xiếc thì phải nói đến Maurice Lân, nhà sư phạm xiếc tại CH Pháp và Tuấn Lê, đạo diễn xiếc tại CHLB Đức, họ là những người thực sự trăn trở với ngành xiếc và khát khao muốn tìm hướng đi mới để thúc đẩy xiếc Việt phát triển. Tôi thì lại nặng nợ với âm thanh và âm nhạc hơn. Có lẽ, không chỉ riêng tôi, nhiều nghệ sĩ và tri thức Việt ở nước ngoài luôn mong mỏi đóng góp cho quê hương, hướng về quê hương với những việc làm thiết thực. Dù mỗi người một khả năng, một hoàn cảnh nhưng đều chung một tấm lòng yêu nước và yêu dân tộc mình. Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo văn hóa trong nước biết phát huy sức mạnh của cộng đồng nghệ sĩ gốc Việt, nhất là những đóng góp về chất xám của họ trong việc hoạch định và xây dựng các đường lối cũng như các chương trình nghệ thuật trong nước, thì sẽ rất hiệu quả. Và tôi nghĩ, Làng tôi là chương trình ra đời trên tinh thần đó.

* Xin cảm ơn anh!

H.Đông (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm