17/08/2012 10:07 GMT+7 | Văn hoá
Giữa thời kinh tế khủng hoảng, cửa hàng nào cũng treo biển hạ giá sốc, cực sốc, siêu khủng, vẫn ế chỏng ế chơ; ô tô xe máy đua nhau hạ giá, hỗ trợ, vẫn thấy kêu cài số lùi…, vậy mà vé đi coi nghệ thuật đắt hàng, lạ thật.
|
Mà đúng lạ thật. Chương trình quảng bá là “xiếc”, lại là “xiếc làng" chứ chả phải “xiếc quốc tế”, nên khá đông các ông bố bà mẹ dắt con đi coi; trước giờ sân khấu mở màn, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam Vũ Ngoạn Hợp bị nhiều khán giả chất vấn sao anh không diễn ở rạp xiếc mà bày đặt ra Nhà hát Lớn làm gì. Nhưng những gì diễn ra trên sân khấu Nhà hát Lớn trong gần 2 giờ đồng hồ tối 10/8 ấy đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ thông thường trước đó về “xiếc cho trẻ con”, “xiếc để mua vui”; cũng xóa sạch những ác cảm trước đó về xiếc Việt Nam vừa nhàm chán (quanh đi quẩn lại mấy tiết mục cũ mèm mấy chục năm), vừa nhạt nhẽo (cho một chàng trai đóng khố bê con trăn ra vứt trên sân khấu và gọi đó là tiết mục “Thạch Sanh đánh chằn tinh”!). Không phải một “chương trình xiếc (tổng hợp)”, Làng tôi là một “vở xiếc”, ở đó, những kỹ thuật xiếc truyền thống quen thuộc (uốn dẻo, tung hứng, đi thăng bằng trên dây, đu bay, xếp chồng người…) bỗng trở nên mới lạ, duyên dáng và hấp dẫn khi được đặt trong một không gian biến ảo linh hoạt và thông minh của những cây tre (đạo cụ sân khấu duy nhất), của ánh sáng, của âm nhạc,… trong một câu chuyện xuyên suốt, và đặc biệt Việt Nam.
Điều thú vị nhất chính là cái “đặc biệt Việt Nam”, cái không thể lẫn đi đâu được của Làng tôi với xiếc Pháp, xiếc châu Âu (dù cùng thể loại “xiếc mới” - nouveau cirque) hay xiếc Tàu. Không đơn giản ở âm nhạc dân tộc hay trang phục quần vải yếm nâu, mà chất Việt Nam nằm sâu trong hồn cốt của vở diễn. Có lẽ đó cũng chính là lý do Làng tôi với 20 nghệ sĩ Việt Nam là một trong những vở xiếc được diễn nhiều nhất của Hội đoàn sân khấu địa cầu Pháp trong gần 3 năm qua trên chính quê hương của bộ môn nghệ thuật này (châu Âu) mặc dầu Việt Nam không hề có tên trên “bản đồ xiếc” thế giới.
“Oanh liệt” vậy trên sân khấu quốc tế, nhưng Làng tôi suýt chết yểu tại chính quê hương mình.
Năm 2005, hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Lân - Nguyễn Nhất Lý (lúc bấy giờ Nguyễn Lân là Giám đốc nội dung đào tạo Trường Nghệ thuật xiếc TP.Chambéry, Pháp còn Nguyễn Nhất Lý là Chủ tịch Hội đoàn Art-Ensemble, Pháp) cùng nghệ sĩ Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP.HCM, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức) gom góp một khoản tiền nhỏ, hai ngàn năm trăm euro, dự định làm một vở “xiếc mới” với toàn bộ chất liệu Việt Nam.
Ban đầu, để tiết kiệm chi phí, họ tìm đến các diễn viên- học sinh ở Trường Xiếc Việt Nam và Trường Nghệ thuật Hà Nội. Câu trả lời nhận được là: Kinh phí tối thiểu cũng phải gấp đôi con số họ dự định. May thay, giữa lúc họ định quay về Pháp, dang dở giấc mơ nho nhỏ, thì ông Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam “chèo kéo” hợp tác. Vậy là chỉ 2 tuần sau cái bắt tay, Làng tôi ra đời, phiên bản đầu tiên này rất hoành tráng, với sự tham gia của 100 diễn viên. Tâm huyết và tốn kém (ngoài sự đóng góp của các nghệ sĩ gốc Việt, liên đoàn xiếc cũng bỏ ra 200 triệu đồng để sản xuất chương trình), nhận được nhiều lời khen tặng của các nhà quản lý văn hóa, các đồng nghiệp trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, vậy nhưng Làng tôi chỉ diễn 6 buổi ở Hà Nội rồi xếp xó vì không có khán giả.
Chương mới của Làng tôi?
Phải tới khi một nhà kinh doanh nghệ thuật người Pháp được xem cuốn băng mà Nguyễn Nhất Lý ghi lại Làng tôi từ những suất diễn đầu tiên và quyết định đầu tư, thì câu chuyện Làng tôi bước sang một chương mới. Để phù hợp với điều kiện lưu diễn nước ngoài, phiên bản mới của Làng tôi được rút gọn lại với 20 nghệ sĩ. Và nằm trong hợp đồng độc quyền khai thác 3 năm của nhà đầu tư, từ 2010 đến hết 2012, Làng tôi đã lưu diễn ở 6 quốc gia, với số suất diễn lên tới con số 300s trở thành “sản phẩm xuất khẩu” thành công nhất của xiếc Việt Nam từ trước tới nay.
Nhưng “chương mới” thật sự của xiếc Làng tôi có lẽ phải được tính khi mùa diễn 2012 trên các sân khấu châu Âu kết thúc, cũng là lúc hợp đồng độc quyền khai thác của nhà đầu tư Pháp với Làng tôi hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc từ năm 2013, Làng tôi được trả lại toàn quyền khai thác cho phía Việt Nam. Và chương trình “ơ lạ” tối 10/8 vừa rồi tại Nhà hát Lớn Hà Nội chính là buổi diễn “chào hàng” đầu tiên của “chương mới” này. Thay vị trí nhà đầu tư và khai thác người Pháp là ông chủ Việt, Đỗ Ngọc Minh, người đã đặt tên Việt cho chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp (Lụa Là) và đưa nhạc giao hưởng ra vỉa hè Hà Nội (Luala Concert). Và thay cho những chuyến du diễn nơi xứ người, trước mắt, Làng tôi với “kênh phân phối” mới, sẽ được trình diễn trên sân khấu Việt Nam, theo kế hoạch là từ tháng 4/2013.
Khác với sự đón nhận dè dặt trong lần ra mắt cách đây nhiều năm, lần trở về này của Làng tôi được chào đón nồng nhiệt (ít nhất là trên báo chí), trong đó phần nhiều, như lý giải của nghệ sĩ Nhất Lý về chuyện đi đường vòng, “tức là ra thế giới, gây ấn tượng với bên ngoài để tiếng lành “đồn” về Việt Nam khiến công chúng trong nước tò mò, quan tâm”. Nhưng quan tâm bằng sự tò mò chắc chắn là không đủ cho đời sống của một tác phẩm nghệ thuật. Dù “oanh liệt” 3 năm qua trên sân khấu quốc tế, trở về với đêm diễn 10/8 khiến hầu hết người xem “tâm phục khẩu phục”, nhưng chính những người trong cuộc cũng đang mơ hồ lo ngại về số phận của Làng tôi. Vở xiếc rõ ràng không đáp ứng cái gọi là “nhu cầu giải trí” của số đông khán giả vẫn xem xiếc là một chương trình tạp kỹ nơi nhà bạt. Nó không thể được xem là một chương trình giải trí thuần túy, ngay cả đối với nhóm khách du lịch nội địa, khách du lịch Trung Quốc ở khu du lịch Tuần Châu, nơi ông chủ Luala đang muốn xây dựng ở đây những chương trình tạp kỹ dành cho du khách. Nhiều khả năng, với kênh phát hành Việt Nam, Làng tôi sẽ có lịch diễn theo mùa tại Hà Nội trong năm 2013, còn sự ổn định hay không thì trông đợi rất nhiều vào lượng khách du lịch văn hóa tới Việt Nam mà nhiều năm nay, họ gần như chỉ có một “món” duy nhất để thưởng thức là múa rối nước.
Dù sao thì cũng rất mừng cho xiếc Làng tôi đã “trở về nhà”. Và không “trở về” một mình, Làng tôi còn mang theo những vở xiếc tiếp theo, mang tinh thần của Làng tôi, chuẩn bị được ra đời ở Việt Nam. Sau Làng tôi, một “làng xiếc” khác, mang đậm nét văn hóa Nam Bộ với đờn ca tài tử, đang được thực hiện theo “đặt hàng” của một công ty ở TP.HCM. Và vẫn buồn cho những chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, tốn kém lắm, mà sao vẫn thiếu những “đại sứ văn hóa Việt” như Làng tôi.
P.T.T.T
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất