Xin lỗi, em chỉ là cô gái trót phì phèo

12/07/2016 06:57 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Phụ nữ hút thuốc là khá bình thường ở phương Tây nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Bà, cô nào phì phèo điếu thuốc, lập tức bị liệt vào 2 loại, hoặc dạng đàn bà giang hồ, chợ búa hoặc bậc phụ nữ thượng lưu, thích chơi trội. Những bà lão mà hút thuốc thì trông hao hao giống... lão quái!

Nhìn thực tế, số lượng phụ nữ trí thức, thượng lưu hút thuốc ngày càng tăng. Và họ thường hút loại thuốc nhỏ, dài, trông sành điệu. Hầu như tất cả các phụ nữ hút thuốc đều ý thức được rằng, hành vi của họ thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Tò mò, thán phục hoặc... ghê ghê, sợ sợ. Hút thuốc là có đẳng cấp, là có số má, hoặc chí ít cũng là có cá tính.

Chính vì lý do đó, mà tỉ lệ hút thuốc ở phụ nữ Việt Nam rất thấp. Những người dám hút thuốc thường phải có bản lĩnh cao cường, dám bất chấp những cái nhìn kỳ thị của xung quanh. Phụ nữ đa số là những người hay suy nghĩ. Cho nên cái "lần đầu tiên" họ bập vào điếu thuốc bao giờ cũng đi kèm với một lý do nào đó, mà dễ thấy nhất là do căng thẳng hoặc buồn đời. Đến đây ta có thể suy ra một mệnh đề: Phụ nữ hút thuốc thường là những người  từng trải và "có vấn đề".

Với mệnh đề đó, cũng dễ hiểu khi clip hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc trong quán cà phê lại nhanh chóng gây "náo loạn" như thế. Dường như chưa có một đương kim hoa hậu nào bị lộ hình ảnh hút thuốc, từ xưa tới nay, cho dù, trong đời thực, cũng không hiếm các cựu hoa hậu vướng vào thói quen xấu này.


Hoa hậu Kỳ Duyên và những sự cố gần đây

Thực ra, hoa hậu Kỳ Duyên không vi phạm điều cấm nào trong luật pháp. Cô được quyền hút thuốc ở quán cà phê đó, nếu chủ quán không cấm.

Chỉ có điều với hành vi hút thuốc, lập tức hình ảnh "gái ngoan" bị sụp đổ. Phụ nữ Việt Nam hút thuốc, như đã nói, lập tức bị liệt vào một trong 2 dạng nêu trên – mà cả hai dạng đó đều chẳng tốt đẹp gì. Chưa kể, công chúng không muốn nhìn thấy một hoa hậu "từng trải", "chơi trội", "buồn đời" mà muốn cô mãi mãi trong sáng...

2. Đã đành là Kỳ Duyên tự làm xấu hình ảnh của mình. Nhưng với cái lỗi phì phèo điếu thuốc, cô phải xử sự ra sao?

Cũng như khá nhiều lời xin lỗi, từ của các ngôi sao tới các quan chức, lời xin lỗi của Kỳ Duyên to tát, nhưng không đi thẳng vào vấn đề.

Trong lời xin lỗi, Kỳ Duyên gọi hành vi hút thuốc của mình là "không thận trọng khi thể hiện cá tính", "chiều chuộng cái tôi bằng những hành động dễ gây tranh cãi với cộng đồng", là "sai lầm thời tuổi trẻ", là "bài học lớn"...

Thực ra, cá nhân tôi không đòi hỏi Kỳ Duyên phải xin lỗi nhiều đến thế, to tát đến thế mà cũng... văn vẻ đến thế. Tôi muốn lời xin lỗi cần đi vào thực chất. Bởi nếu không nhận ra thực chất vấn đề thì sẽ khó có thể sửa chữa.

Theo tôi, nếu Kỳ Duyên nhận ra sai lầm trong thói quen hút thuốc, thì trước hết cô nên xin lỗi chính bản thân mình cùng những người thân yêu trong gia đình vì đã tập nhiễm một thói quen xấu gây tổn hại đến sức khỏe, sắc đẹp... Điều đó mới quan trọng. Nếu không thì mọi lời xin lỗi đều bằng thừa, vì cô sẽ không từ bỏ được thói quen này, tiếp tục hút thuốc ở những nơi kín đáo, và thói quen đó sẽ giết chết cô, trước hết là nhan sắc.

Với công chúng, Kỳ Duyên nên xin lỗi vì đã không làm chủ được bản thân dẫn tới sa vào thói quen "phì phèo" làm ảnh hưởng tới cuộc vận động chống thuốc lá của toàn xã hội cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh của một đương kim hoa hậu của quốc gia.

Xin lỗi, em chỉ là cô gái trót phì phèo. Đi kèm với lời xin lỗi, Kỳ Duyên nên thể hiện lời hứa từ bỏ thói quen này. Nếu đã đến mức nghiện thì cần bày tỏ quyết tâm cai thuốc lá. Bây giờ có rất nhiều biệt dược cai thuốc lá hiệu quả được rao bán đầy trên mạng.

Hy vọng rằng những người yêu mến Kỳ Duyên không phải gửi biệt dược cai nghiện thuốc lá cho cô.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm