01/08/2017 10:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Bóng đá ở ta đã mang danh chuyên nghiệp từ năm 2000. Vậy sau gần 20 năm khái niệm chuyên nghiệp ấy như thế nào, thể hiện ở đâu và ai là người thực hiện nó? Một chủ đề quá rộng mà phải nhiều bài báo mới có thể phân tích hết.
Nhưng gần đây, có một việc nhỏ nhưng lại thể hiện tính chuyên nghiệp trong quản lý cầu thủ chính là khi Công Vinh, trong vai trò một nhà quản lý CLB đã làm trong tuần qua. Đó là quyết định “trảm” cầu thủ Đoàn Việt Cường, một người là bạn do chính anh nâng đỡ, do chính anh đưa về trong bối cảnh đội bóng TP. HCM đang phải “ngụp lặn” ở phía dưới của bảng xếp hạng.
Đội bóng thành phố tuyển mộ Đoàn Việt Cường với mong muốn tăng cường thêm sức mạnh. Tuy nhiên, khi cần phải thanh lý hợp đồng với cầu thủ vi phạm nội quy thì vẫn phải làm. Đó chính là một hành động chuyên nghiệp.
Còn nhớ, khi còn thi đấu ở đội bóng xứ Nghệ, nhiều người hay so sánh khả năng chuyên môn của Công Vinh với Văn Quyến. Thế nhưng, Công Vinh bằng nỗ lực tập luyện, trau dồi tri thức đã trụ lại bóng đá để trở thành một biểu tượng với số bàn thắng cao nhất đội tuyển. Còn trẻ như Công Vinh, sau khi rời bóng đá thì hiếm người trở thành một nhà quản lý một đội bóng đang thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam được như vậy.
Nói thẳng ra thì bóng đá cũng là một nghề lao động như bao nghề khác mà cầu thủ là một người lao động. Công Vinh đã từng đi Bồ Đào Nha rồi Nhật Bản, nên anh biết rõ công việc của một người-lao-động-đá-bóng là như thế nào. Trên đất Nhật, chính Công Vinh kể lại với người viết: Ở CLB Condasole Sapporo, các nhà quản lý trả lương cho cầu thủ và yêu cầu đến tập luyện đúng giờ, đảm bảo thể lực để thực hiện những bài tập trong ngày. Đến cuối tuần, có trận đấu thì chuẩn bị tinh thần để vào sân, còn việc đá thế nào đã có HLV trưởng lo…
CLB cũng không cần biết anh đang ở đâu, ở nhà với vợ hay ở với bố mẹ, đi bằng xe riêng hay tàu điện, tối qua đi bar hay pub có uống rượu bia hay không…Các việc đó là chuyện cá nhân của cầu thủ, CLB không ôm đồm “chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ” như ở các đội bóng đá của ta. Nếu cá nhân vi phạm nhẹ thì phạt tiền lương, nặng hơn nữa thì thanh lý hợp đồng. Và sau này, trong hồ sơ xin việc thì không đội bóng nào muốn tuyển mộ những cầu thủ có “tì vết” như thế.
Tư duy quản lý này đã ảnh hưởng trực tiếp đến Công Vinh - cầu thủ và có lẽ đã tạo nên một Công Vinh- nhà quản lý như hiện nay. Cứ như vậy, theo thời gian, từng cá nhân hành xử công việc của mình một cách chuyên nghiệp để từng đội bóng cũng dần trở nên chuyên nghiệp hơn, để hướng tới một giải bóng đá, một nền bóng đá chuyên nghiệp.
Vẫn biết, người hâm mộ bóng đá Việt Nam khát khao chiến thắng ở SEA Games, ở các giải đấu lớn hơn, nhưng tạm dừng cả một giải đấu hàng đầu quốc gia để phục vụ đội tuyển, phải chăng đã là một việc làm chuyên nghiệp?
Liệu có chuyên nghiệp hay không khi một quan chức của Liên đoàn bóng đá hứng chí thưởng tiền tỷ cho các cầu thủ khi họ chiến thắng một vài trận đấu nào đó với suy nghĩ “Mình thích thì mình thưởng thôi”?
Tóm lại, làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Thế thì tại sao không hoan hô cựu cầu thủ - nhà quản lý bóng đá Công Vinh, dù chỉ là một việc nhỏ?
Đỗ Hải Âu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất