10/04/2018 06:22 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Mùa giải này, SLNA tiếp tục “phấn đấu có thứ hạng tốt hơn năm ngoái” mà không đưa ra con số cụ thể nào. Với con người, mô hình quản lý cụ thể như vậy thì đó dường như cũng là điều tất yếu.
Những người muôn năm cũ…
Gần 4 thập kỷ qua, SLNA luôn là niềm tự hào của bóng đá xứ Nghệ, dù đội bóng đã nhiều lúc ba chìm, bảy nổi. Ông Nguyễn Hồng Thanh và Hồ Văn Chiêm là những số ít người đi suốt chiều dài lịch sử của đội bóng này và có mặt tại đội bóng đến tận ngày hôm nay.
Người xứ Nghệ tự hào SLNA là đội bóng duy nhất có mặt từ ngày đầu V-League khai sinh, 39 năm qua đội bóng chưa 1 lần rớt hạng. SLNA đã là đội bóng đã có thời làm mẫu trong mô hình đơn vị sự nghiệp có thu với cái tên Đoàn bóng đá. Nhiều CLB trong nước tìm đến học tập. Nhưng 3 năm nay, đội bóng sở hữu đến 38 cái Cúp vàng, đủ hết mọi giải đấu của bóng đá Việt Nam đang có thứ hạng 7, 9, 8 tại V-League. Điều gì đang cản trở sự phát triển của SLNA?
Có 3 người đang nắm “quyền cao, chức trọng” tại SLNA đó là TGĐ công ty Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Điều hành Hồ Văn Chiêm và HLV Nguyễn Đức Thắng. Nhưng thực ra, Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm đơn thuần chỉ là danh nghĩa thực hiện các thủ tục hành chính, thực quyền nằm trong tay ông Thanh và HLV Đức Thắng.
Có thể thấy, thời điểm ông Thanh phát tiết nhất chính là lúc ông làm Trưởng đoàn U16 Việt Nam tại VCK châu Á lứa tuổi này, năm 2000, tại Đà Nẵng. Lúc ấy, dàn cầu thủ nhí xứ Nghệ với Văn Quyến, Minh Đức, Lâm Tấn, Như Thuật, Ánh Cường, Văn Tiến, Quang Tuấn, Đức Anh đã vinh danh lò đào tạo Sông Lam. Đấy cũng là thời thịnh trị của ông Thanh, cùng đội một xứ Nghệ, 2 năm liên tiếp đoạt chức vô địch giải VĐQG (1999, 2000-2001).
Giờ đây, khi đã U70, sắp thuộc lớp người “xưa nay hiếm” thì vai trò của ông Thanh đã giảm dần. Bóng đá thời chuyên nghiệp, ai nắm được hầu bao, người đó có quyền lực, dù bậc cha chú tại CLB nhưng có khá nhiều vấn đề ông Thanh không thể quyết định. Ngược lại, HLV Đức Thắng tuy mới cầm quân mùa thứ 2 nhưng nghe nói có quan hệ khá tốt với nhà tài trợ Bắc Á, nên lại “rộng đường binh” hơn rất nhiều.
Trên sân cỏ mấy năm nay, Nguyên Mạnh là thủ quân nhưng những người am hiểu đội bóng đều biết, thủ môn có tiếng lành này không phải là thủ lĩnh đích thực. May là quân SLNA “thuần chủng” nên không có lộn xộn trong phòng thay đồ. Đức Thắng vẫn tỏ ra là “đàn anh” đúng nghĩa và thực tế đã rắn mặt trị những mầm mống có ý nổi loạn nên SLNA có tiếng là đoàn kết.
Những nhà quản lý bóng đá xứ Nghệ vẫn cũ kỹ, nên việc SLNA giẫm chân tại chỗ cũng là dễ hiểu. Bù lại, họ vẫn “sòn sòn” đào tạo nên các tài năng nổi tiếng cho bóng đá nước nhà, nên cần ghi nhận các “công thần” và đặc biệt là nhiều HLV đang âm thầm làm công tác đào tạo trẻ.
Mô hình quản lý
Bắc Á là nhà tài trợ dễ mà khó, khó mà dễ. Khó mà lấy tiền ra khỏi két của Bắc Á nhưng ngược lại CLB gần như không phải chịu sức ép về thành tích chuyên môn. Hầu như SLNA không hề bị sức ép về thành tích lẫn kinh doanh, nên năm ngoái doanh thu vé vào sân chỉ còn 1/3 những năm trước cũng không thấy ai bị nhắc nhở. Đơn giản như kinh doanh mấy sân cỏ nhân tạo mấy năm gần đây tụt giảm đáng kể, nhưng chả ai làm sao. Trong mô hình hiện tại, SLNA hầu như không kinh doanh bóng đá, nhiệm vụ của họ là lấy tiền từ nhà tài trợ về tiêu và không để đội bóng xuống hạng. Chấm hết!
Khi thấy Huy Hoàng được bổ sung vào BHL SLNA, người hâm mộ đang thầm hy vọng có một sự tịnh tiến và đổi mới cần thiết. Nếu không có sự thay đổi căn cơ, đội bóng xứ Nghệ khó lòng có sự thay đổi về chuyên môn. Nhưng ai sẽ làm thay đổi toàn diện SLNA, lãnh đạo tỉnh, nhà tài trợ, hay phải đợi chục năm nữa khi SLNA đã thay áo mới và bổ sung nhân tài mới ở vai trò CEO.
Đông Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất