Tự Long là một trong những cái tên hấp dẫn hiện nay của làng hài miền Bắc. Xuất hiện thường xuyên trên truyền hình, nhận được nhiều tiếng cười và vỗ tay của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, Tự Long nói đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.Dẫu biết đã là nghệ sĩ hài thì phải luôn có trách nhiệm mang đến tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên, đằng sau những tiếng cười đó, mấy ai không mang trong mình những nỗi buồn, tâm tư riêng. Cùng phóng viên trò chuyện trong một buổi trưa hè, Tự Long đã chia sẻ những điều rất thật về con đường trở thành diễn viên đầy chông gai của mình."Vừa xấu, vừa đen lại nói nhiều"* Nhiều người vẫn cho rằng vai diễn bác Photo (trong Thư giãn cuối tuần trên VTV3) của anh là một hình ảnh lạ của Tự Long. Thực sự, anh có thấy mình vừa vặn với vai diễn này không?- Chính xác là không vừa. Đó không phải là chất của tôi. Vai diễn này hợp với Xuân Bắc hoặc Quang Thắng thì đúng hơn. Tôi "trùng màu" với Công Lý. Lúc diễn vai này tôi phải tiết chế mình nhiều lắm. Đôi lúc muốn bung ra nhưng lại phải kìm nén để trở về đúng với nhân vật và bảo toàn vai diễn. Thực ra đôi lúc cần có một sự thay đổi hay làm mới cũng rất tốt. Nó đem lại cho mình những trải nghiệm nhất định.
Tranh vẽ khuôn mặt hài của Tự Long |
* Tôi thấy anh có ngoại hình, giọng hát, khả năng tấu hài nổi bật hơn so với các nam nghệ sĩ hài khác khi đứng chung sân khấu. Thế nhưng con đường đến với thành công của anh lại khá muộn màng, lận đận?- Tôi không dám nhận mình hơn ai. Đẹp trai lại càng không vì ngày xưa toàn bị bạn gái chê vừa xấu, vừa đen lại nói nhiều. Và nói thật là tôi chưa bao giờ tự tin vào vóc dáng thân thể của mình. Chỉ có một điều, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Mẹ tôi là gái làng Lim (Bắc Ninh), cái nôi của quan họ, bà hát rất hay. Bố tôi cũng là một diễn viên chèo. Nhưng ông không thành công với sự nghiệp của mình. Sau cùng, ông đâm ra chán nản và bất mãn với nghề này. ông không thích và cấm tôi đi theo con đường nghệ thuật. Do không có sự định hướng của bố mẹ, tôi mất gần 5 năm chìm nổi với đủ thứ công việc trên đời.Và để có được vị trí như ngày hôm nay, là cả một sự nỗ lực, cố gắng. 5 năm chìm nổi với đủ nghề, bắt đầu đi học lại, rồi diễn lót chán chê cho các đàn anh, tôi mới được nhận một vai chính. Kể cả Xuân Bắc cũng thế. Thành danh như Xuân Bắc bây giờ đã từng phải đi diễn lót cho tôi. Bắc còn diễn lót cho tôi chán rồi mới được thành danh như bây giờ. Chuyện đó là chuyện bình thường. Diễn viên nào ngày xưa mới vào nghề mà được giao ngay vai chính đâu. Không phải như bây giờ, chỉ cần một hai vai diễn hay bài hát là đã có thể nổi tiếng ngay.Số một số hai, “nhân dân, ưu tú” sẽ vô nghĩa nếu...* Theo anh danh hài số một Việt Nam hiện nay là ai?Thực ra chẳng ai dại gì đi cho mình là số một và cũng chẳng có số gì cả. Nghệ sĩ chứ có phải là cái gì đâu mà phân cấp số thứ tự. Nghe ai đó xưng mình số mấy, số mấy là tôi chối lắm. Điều đó chỉ xảy ra với những người lúc nào cũng thích ăn thua hoặc sợ người khác hơn mình. Nghệ sĩ có bình minh thì cũng sẽ có hoàng hôn.Số một để làm gì nếu suốt ngày chỉ ở nhà nhìn người khác đi kiếm tiền. Tôi số mười hoặc là không số nhưng trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh thì cái nào hơn. Đến cả một cuộc thi cũng không thể khẳng định được 100% ai hơn ai thua nữa là ngồi đánh giá mồm với nhau.Bạn để ý mà xem, để bán được vé ở các sân khấu Hà Nội không phải là dễ. Khán giả Hà Nội rất khó tính và họ là người đánh giá rõ nhất ai hay, ai dở. Có những người không bao giờ có mặt trong những băng rôn quảng cáo. Chúng tôi biết nhau hết chứ có phải là không đâu. Thế cho nên anh đừng cho anh là số một, số hai.
* Nhớ lại một chút, cơ duyên nào đã đưa anh đến với sân khấu hài?
Chuyên ngành chính của tôi là chèo. Tuy nhiên đến cái thời của tôi, chèo đã trở thành một món khó ăn. Nó giống như mù tạt, không phải ai cũng ăn được. Tôi không bàn đến hay hay dở. Chèo có cái hay, cái hấp dẫn riêng. Nhưng nghệ sĩ muốn sống được thì phải làm cái khán giả thích. Phải đưa đến cái họ cần. Cơ duyên với sân khấu hài, nói ra thì hơi to tát. Đó là một sự mưu sinh thì đúng hơn. Tôi may mắn ở chỗ được khán giả đón nhận, yêu mến. Tôi còn nhớ, chương trình đánh dấu sự bén duyên của tôi với sân khấu hài chính là seri Gặp nhau cuối tuần với nhân vật Bác sĩ hoa súng.Tuy nhiên, sau vai diễn thành công nhờ sự yêu mến của khán giả tôi lại bị định kiến ở cơ quan. Khi xem tôi diễn chèo, mọi người cho rằng: “Thằng này diễn theo kiểu Gặp nhau cuối tuần, ba lăng nhăng. Diễn ở nhà hát có gì đâu mà lên truyền hình” (?!).Đành rằng giữa chèo và hài kịch là hai phạm trù khác nhau. Một bên là nghệ thuật, một bên là đời thường. Nhưng tôi nghĩ, người nghệ sĩ thành công là người được số đông khán giả yêu mến. ưu tú, nhân dân rồi danh hiệu này, danh hiệu nọ nhưng nói đến tên chẳng ai biết thì ưu tú, nhân dân chỗ nào? Nhiều nghệ sĩ bây giờ thiếu tài. Họ không chịu hiểu nghệ thuật muốn tồn tại phải đến gần với công chúng. Mà giá trị của nghệ thuật là hướng đến đâu nếu không phải là để phục vụ cuộc sống, công chúng?Thích ô tô, mê thể thao
"Nghệ thuật không phải là điều không thể"
Hồi ức về những ngày đầu lập nghiệp, nhớ lại sự không thành công của người cha, cũng là một diễn viên chèo, nghệ sỹ Tự Long trầm ngâm: "Tôi từng xót xa vô cùng khi chứng kiến sự thất bại của bố. Và tự nghĩ, tại sao một tài năng như thế lại bị nghệ thuật lãng quên và bạc đãi? Tôi quyết tâm trở thành nghệ sĩ không chỉ cho mình mà còn để vực dậy niềm tin, lòng tự hào của gia đình. Và để mọi người hiểu rằng nghệ thuật không phải là điều không thể như họ vẫn nghĩ. Tôi không có được sự sớm sủa, đúng lúc nhưng lòng nhiệt huyết với nghề thì có thừa". |
* Bây giờ đã thành danh rồi, anh có muốn bước sang một công việc khác hấp dẫn hơn không?- Nhiều người hỏi tôi câu này lắm. Thú thực không ít lần tôi suy nghĩ đến việc rời bỏ Nhà hát chèo quân đội để ra solo, thành lập công ty, làm những gì mình thích và chủ động về thời gian. Hiện tại công việc quản lí ở đây chiếm của tôi rất nhiều thời gian. Mà bạn biết đấy môi trường quân đội rất nghiêm túc, đúng giờ lại có “ưu điểm” là hay họp hành.Mỗi sáng tôi phải dậy từ lúc cả nhà còn đang ngủ, tất tưởi đến cơ quan cách đó 9,1 cây số. Trước nhà có hàng phở ngon nổi tiếng nhưng chẳng bao giờ nhớ ra cả. Mình trót làm lãnh đạo, dù là lãnh đạo nhỏ thôi nên nếu đến muộn thì anh em nói chết. Tôi làm việc gấp 3, 4 lần người khác. Lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Thế nhưng điều đó không thể một sớm một chiều mà có thể dứt bỏ được. * Nếu không làm diễn viên, anh nghĩ là anh sẽ làm gì?Là lái xe. Tôi mê ô tô và thích lái xe từ nhỏ. Mỗi lần thấy có cái ô tô nào về quê là đầu óc cứ mụ mị đi vì sướng. Tôi còn nghe được tiếng xe từ rất xa. Một nghề nữa tôi cũng rất thích đó là vận động viên thể thao. Ngày xưa nhà tôi cách trung tâm thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh có một bức tường. Ngày nào cũng thấy các anh chị vận động viên luyện tập. Có lẽ vì vậy mà say mê thể thao lúc nào không hay.* Nhiều nghệ sĩ hài miền Bắc thiếu đất diễn vì Hà Nội quá ít các tụ điểm sân khấu? Anh có định Nam tiến để làm được nhiều điều hơn không?Thực ra TP. Hồ Chí Minh không phải là miền đất hứa như mọi người vẫn nghĩ đâu. Vào đó để thành ngôi sao là không thể. Đây là bài học cho nhiều nghệ sĩ miền Bắc khi họ dứt áo khăn gói ra đi rồi một ngày lại đột ngột quay về. Tôi không bao giờ có ý định Nam tiến. Ở đâu cũng có cơ hội nếu ta biết tìm kiếm. TP. Hồ Chí Minh có các tụ điểm thì Hà Nội có các công ty lớn thường xuyên vẫn mời nghệ sĩ hài đến diễn kịch trong các dịp lễ của họ. Tôi cho rằng khán giả miền Bắc là những người coi trọng nghệ thuật. Họ sẵn sàng chi trả cát xê cao để mời được nghệ sĩ yêu thích. * Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!Theo Người đưa tin