Xuân Thủy - nhà tổ chức tài ba, một cây bút sắc sảo

02/09/2017 10:17 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nhà hoạt động chính trị ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam là một nhân vật nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Dù đảm nhiệm trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ông đều đã hoàn thành xuất sắc và để lại những dấu ấn không thể phai mờ.

Nhà tổ chức báo chí tài ba

Nhà báo Xuân Thủy tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, (nay là phường Xuân Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Xuân Thủy là đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ trong việc giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý tưởng cách mạng vô sản. Ông và các cộng sự đã tiến hành tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ vào ban đêm; lập những nhóm đọc sách, báo tiến bộ; tổ chức các cuộc mít-tinh chống sưu cao, thuế nặng, đòi cơm áo, hòa bình… cho nhân dân. Để ngăn chặn tình hình này, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò rồi đầy lên Sơn La.

Trong nhà tù, bất chấp sự đàn áp dã man của kẻ thù, ông vẫn dũng cảm đấu tranh với ý chí kiên cường của một người cộng sản. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà tù.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968 - Ảnh tư liệu:btlsqsvn.org.vn

Khi ra tù, ông được Đảng cử phụ trách báo “Cứu quốc” bí mật - một trong những tờ báo bí mật của cơ quan Tổng bộ Việt Minh. Từ đây và nhiều năm sau đó, ông dành nhiều tâm lực cho việc tổ chức và phát triển báo “Cứu quốc”, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ông nhanh chóng đề ra một chiến lược mới cho việc phát triển của báo, trong đó luôn chú trọng đến nhiệm vụ chính trị quan trọng là tuyên truyền đường lối cách mạng, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh. Từ những thông tin mà báo “Cứu quốc” cung cấp, những chủ trương, đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng sớm đến được với nhân dân, được nhân dân đón nhận và tổ chức thực hiện rất hiệu quả, tạo nên sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông vừa trực tiếp điều hành hoạt động báo “Cứu quốc”, vừa giữ vai trò tổ chức, kiến tạo hệ thống báo chí của mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền.

Dưới sự điều hành trực tiếp của ông, các chi nhánh báo “Cứu quốc” ở các chiến khu hoạt động rất hiệu quả, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trên khắp các nẻo đường cách mạng. Trong mưa bom bão đạn, các phóng viên của báo vẫn miệt mài trên các chiến trường.

Với tinh thần làm việc quên mình đó, báo “Cứu quốc” kịp thời cho ra mắt 3.000 bản/ngày. Sự phát triển rộng khắp của báo “Cứu quốc” đã đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc kháng chiến, là nơi thể hiện ý Đảng, lòng dân trong cuộc chiến chống quân thù. Đây là kết quả đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam những năm đầu non trẻ.

Trên cương vị là người tổ chức các hoạt động báo chí, đồng chí Xuân Thủy đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,…

Một cây bút sắc sảo

Không chỉ là một nhà tổ chức báo chí tài ba, Xuân Thủy còn là một cây bút sắc sảo. Ông thường viết xã luận và bình luận, viết ca dao bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp với lời văn hùng hồn, tha thiết, mạch lạc.

Những tác phẩm của ông chứa đựng tính nhân văn, tính dân tộc và tính chiến đấu cao, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, kêu gọi nhân dân đoàn kết, ủng hộ cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc; lên án tội ác và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Đặc biệt, trong những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử dân tộc, ông luôn kịp thời cho ra mắt những bài viết độc đáo. Tối ngày 19-12-1946, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng là lúc báo “Cứu quốc” chuẩn bị cho ra số đặc biệt với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời khắc đó, ông đã viết bài xã luận trên trang nhất của báo “Cứu quốc”.

Bài viết của ông cùng với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh đã trở thành những tư liệu vô cùng quý giá đối với nền báo chí cách mạng những năm đầu kháng chiến.

Những năm sau đó, trên báo “Cứu quốc” liên tục xuất hiện những bài báo của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của đất nước.

Nhà chính trị, ngoại giao nổi tiếng

Trong cuộc đời hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được giao nhiều trọng trách như: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân Vận và Mặt trận Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội… Ở cương vị nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông được bạn bè quốc tế vinh danh là nhà ngoại giao "có nụ cười chiến thắng” với những cống hiến to lớn trên cả 3 lĩnh vực: Ngoại giao nhân dân, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại của Đảng. Khả năng đặc biệt của ông càng tỏa sáng khi ông lãnh đạo, chỉ đạo hai đoàn đàm phán của ta tại Paris (Pháp) và chính khả năng ấy đã góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi to lớn của Hội nghị Paris về Việt Nam (1968 - 1973).

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo "về nguồn"

Vào 8h30 sáng nay (20/4), tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2015).

Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam là cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX; là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Thắng lợi của đàm phán Pari và Hiệp định Pari đã buộc quân đội Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế và lực mới thống nhất đất nước. Quá trình đàm phán ở Pari và Hiệp định Pari là chiến thắng của một nền ngoại giao non trẻ nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, trong đó ghi đậm dấu ấn Bộ trưởng Xuân Thủy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một nhà ngoại giao nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XX. Anh là một chính khách Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội Việt Nam có tên tuổi trên chính trường quốc tế từ những năm 50 của thế kỷ qua”.

Bằng tài năng, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào chiến thắng, nhà báo Xuân Thủy đã kiên trì, khéo léo trong đàm phán trong cả bí mật cũng như công khai, cùng các cộng sự của mình hoàn thành tốt nhất những chủ trương của Đảng, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc ta đánh thắng Mỹ, khiến chính người Mỹ cũng phải thừa nhận “nước Mỹ thua trong cuộc chiến tranh trước hết là thua ngay trên mặt trận báo chí”.

Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế” đến khi trở thành một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, Xuân Thuỷ luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông như một vì sao còn mãi giữa lòng dân tộc, giữa quê hương.

TTXVN/Hồng Quảng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm