03/03/2015 14:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu dấu ấn của bóng đá nam thời hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế gắn với những ông thày ngoại, thì bóng đá nữ là chẳng nhiều. Đơn giản, từ lịch sử hình thành tới đặc thù lẫn cả thành tích của các cô gái Việt đá bóng mang dấu ấn "nội" nhiều hơn.
Đội bóng nữ Cái Vồn (Cần Thơ) ra đời từ thập niên 30 của thế kỷ trước thường được giới làm sử bóng đá "dẫn ra" để minh chứng cho sức phát triển của môn thể thao phương Tây theo chân các thủy thủ Pháp vào nước ta. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ hơn thì đội bóng đó chẳng hề là nền tảng cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam.
Vạn sự khởi đầu nan
Đơn giản, vào thập niên 80 của thế kỷ 20, sự hình thành của bóng đá nữ là những câu chuyện mang tính cá nhân, thậm chí còn bị xem là... đi ngược "chủ trương, đường lối".
Người có công lớn nhất giờ đã yên nghỉ miền cực lạc - ông Trần Thanh Ngữ - Trưởng phòng TDTT quận 1 TP.HCM, xây dựng bóng đá nữ từ phong trào theo kiểu "vừa tập, vừa đá trộm" để tránh lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM.
Còn ở Hà Nội là những đội bóng Hoa học trò, sản phẩm của ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, mà có lúc còn bị "nói lái"... Hoa làm trò! Tại Quảng Ninh có khá hơn thì cũng chỉ là kiểu suy nghĩ đột phá từ những cán bộ Công đoàn ngành than ở cái thời vàng đen đắt giá!
Và từ cái nền đó, bóng đá nữ ra đời và còn được xem là đỉnh cao của chiến lược "đi tắt, đón đầu" của thời SEA Games là tất cả. Lý do thì nhiều, nhưng có một lý do chính yếu nhất - bóng đá nữ vốn không mấy phát triển tại khu vực Đông Nam Á vốn không mạnh về thể thao nữ do vấn đề tôn giáo.
Đến bây giờ ít ai nhớ là khi năm 1997, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia được thành lập thì giải bóng đá nữ quốc gia còn... chưa ra đời! Vậy nhưng, chỉ là tập hợp của các gương mặt xuất sắc nhất, đội tuyển nữ Việt Nam đã vô địch giải Tiền SEA Games 1997 và sau đó giành tấm HCĐ trên đất Indonesia.
Đấy là một thành tích mà các đồng nghiệp nam "mơ chẳng thấy" và gắn với tên ông Tư Ngữ (ông Trần Thanh Ngữ) cùng cựu ngôi sao Tổng cục Đường sắt, ông Mai Đức Chung.
3 thầy ngoại không hơn 1 thầy nội
Dĩ nhiên, với sức mạnh này, bóng đá nữ Việt Nam nhận được sự đầu tư lớn và vào năm 2001, các cô gái đã có riêng cho mình ông thày ngoại đầu tiên - HLV người Anh Steve Darby cùng chức vô địch SEA Games 2001 tại Malaysia, giải đấu mà đội U23 nam Việt Nam sớm dừng chân tại vòng bảng.
Tài năng của Steve Darby là không thể phủ nhận và cả tâm nguyện gắn bó với mảnh đất hình chữ S của ông thày này (kết hôn và lập gia đình với tuyển thủ điền kinh Hà Nội, Vân Anh), nhưng chừng ấy là chưa đủ với một nền bóng đá vốn đặt nặng về thành tích.
Tại SEA Games 2003 và 2005, ông thày nội Mai Đức Chung "tỏa sáng" với 2 chức vô địch. Năm 2006, với giấc mơ bước ra biển lớn, ông thày ngoại thứ hai là HLV người Trung Quốc Giả Quảng Thác được mời để dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia.
Chỉ có điều ở cái thời ấy, dù bóng đá nữ đã đứng đầu khu vực, nhưng vẫn phải sang ăn tập trên cái sân "trọc cỏ" cùng sinh viên Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) thì cái kết ai cũng hiểu - Lọt vào tốp 10 châu Á đã là nỗ lực quá lớn rồi.
Một quãng thời gian trượt dài và ông thày ngoại thứ ba xuất hiện, HLV Trần Vân Phát (Trung Quốc). Với bản tính hiền lành đến mức hạn chế, ông Phát được đặt rất nhiều kỳ vọng khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam trở lại ngôi đầu Đông Nam Á sau các chức vô địch SEA Games và khu vực.
Nhưng tới năm 2014, ông thày người Trung Quốc này cũng đánh mất tất cả và chấm dứt quãng thời gian gắn bó của mình khi đội tuyển nữ Việt Nam thua "đại kình địch" Thái Lan ở trận quyết định tranh tấm vé dự VCK World Cup bóng đá nữ 2015.
Điều đáng nói là ngay sau khi ông Phát ra đi chẳng lâu, ông thày nội Mai Đức Chung trở lại đã đưa đội tuyển nữ làm nên kỳ tích mới - Vào đến bán kết ASIAD 17 tại Incheon, Hàn Quốc!
Nói thày ngoại chẳng hơn là thế!
Vào lúc 14h ngày mai (4/3), tại trụ sở VFF sẽ diễn ra lễ ký kết và công bố tân HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia. |
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất