Viết tiếp về 'điểm nóng' Huyền Chip: Đã là du ký, cấm… bịa!?

03/10/2013 11:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Ở VN, chưa có cuốn sách du ký nào từng gây tranh cãi như Xách ba lô lên và đi. Rõ ràng, sự giận dữ của dư luận xuất phát từ cái “mác” sách du ký, trong khi câu chuyện của Huyền Chip lại không đủ thuyết phục về độ tin cậy.

Để rộng đường dư luận, TT&VH ghi nhận ý kiến của PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học, người từng sưu tầm và biên soạn cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký (NXB Tri thức, 2013); nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc và giảng viên Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP.HCM).

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn: Sách du ký thì phải xác thực

Ở đây thể loại có vai trò rất quan trọng, vì cuốn sách này không phải là sáng tác, mà là viết về người thật việc thật. Nếu là sáng tác thì người ta còn có thể tưởng tượng xa đến mức như tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom của cậu bé Nguyễn Bình.

Cuốn sách này ngay từ các chi tiết ban đầu như "Đi 25 nước với xuất phát điểm là 700 USD" đã gây cảm giác khó tin. Như vậy dễ khiến bạn đọc cảnh giác và đặt nghi vấn.

Trong quá khứ, ở Việt Nam chưa từng có cuốn sách du ký nào gây tranh cãi như vậy. Tôi nghĩ trong chuyện này, ngoài việc đi sâu vào những tranh cãi chi tiết giữa hai bên - người kiến nghị, anh Trần Ngọc Thịnh và bên tác giả Huyền Chip - thì thứ cần xem xét hơn là ảnh hưởng của toàn bộ cuốn sách.

Tôi không nghĩ tác phẩm này sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử dòng sách du ký của Việt Nam, bên cạnh một số tác giả sách du ký tiêu biểu như Phạm Quỳnh, Hải Thượng Lãn Ông, Phan Huy Chú, gần đây là Phan Quang…

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi này có thể sẽ đưa các tác giả viết sách du ký trở lại quỹ đạo vốn đã có từ trước: phải tôn trọng sự thật, phải viết cho chuẩn. Đó là "con đường chính đạo". Cá nhân tác giả đã đi chệch khỏi quỹ đạo thể tài du ký nhưng tất cả rồi sẽ phải trở lại. Tôi nghĩ viết theo lối nào thì việc "đi chệch" đó cũng không phải là sáng tạo, càng không phải là mở ra một thể loại mới. Đi đúng quỹ đạo thì mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực của hệ thống thể tài du ký.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Sách “ký” giá trị không có chỗ cho “hư cấu”

Hư cấu ở mức độ nào có thể chấp nhận được? Khó có thể có câu trả lời chung bởi còn tùy vào quan niệm của người viết. Dù quan niệm thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ, thể loại “ký” nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại...) chủ yếu là văn xuôi tự sự, gồm các thể như bút ký, hồi ký, du ký...

Trong truờng hợp sách “ký” Xách ba lô lên và đi, không có chỗ cho sự hư cấu. Sở dĩ các trang bút ký của các nhà thám hiểm lừng danh Đông - Tây đã viết từ hàng trăm năm trước đến nay vẫn còn có giá trị bởi tính chân thật. Họ ghi chép trung thực. Không hư cấu. Không bịa ra các tình tiết “câu khách”. Nếu ghi chép của họ vì lý do nào đó có thể sai sót nhưng vẫn được chấp nhận. Do đó, nó đã trở thành những trang tư liệu quý để người đương thời tìm hiểu và người đời sau có thể tìm được các dấu vết của quá khứ.

Những cuốn du ký VN ấn hành thời gian gần đây: Xách ba lô lên và đi (Huyền Chip), John đi tìm Hùng (Trần Hùng John), Nước Ý - câu chuyện tình của tôi, Phút 90++ (BLV Trương Anh Ngọc), Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai), Một mình ở châu Âu (Phan Việt), Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (Ngô Thị Giáng Uyên), Venice và những cuộc tình Gondola (Dương Thụy)…

Tôi nghĩ, “đi” chính là “khám phá”. Người du lịch là người khám phá. Họ có điều kiện mở rộng một tầm nhìn và ghi chép lại những gì đã “mắt thấy tai nghe”. Giá trị của sự khám phá chính là ở đó, tự bản thân nó đã hấp dẫn rồi nên không cần phải hư cấu thêm bất kỳ một chi tiết nào, dù là một chi tiết vụn vặt mà không có thật.

Giảng viên Bảo Trâm (ĐH KHXH&NV TP.HCM): Huyền Chip viết còn non tay

Cá nhân tôi không cho rằng vụ lùm xùm mà Huyền Chip nhận về cho bản thân bạn ấy lại đến từ thể loại du ký. Mà đến từ 3 lý do sau: Do kinh nghiệm và khả năng thẩm thấu các nền văn hóa khác còn yếu, văn phong non tay, nên cách diễn đạt câu chữ để lọt nhiều tình tiết sơ hở, dễ làm cho người đọc soi mói, bắt bẻ. Do việc biên tập, nhuận sắc sơ sài nên để lọt sổ nhiều điểm yếu kém, khiến độc giả bực mình. Do truyền thông cho bản thân Huyền Chip và cho sách này quá “kinh dị”, buộc dư luận phải chú ý. Chứ thực ra, những sách du ký dạng này đang nở rộ trên khắp thế giới, mà sách dở hoặc ngớ ngẩn cũng không ít, có điều nó đứng ngoài quỹ đạo truyền thông nên được “yên thân”.

Vụ bê bối giả mạo của Lonely Planet

Năm 2008, NXB Lonely Planet (Australia) đã “dính” đến một vụ tranh cãi về tính xác thực của sách hướng dẫn du lịch. Theo trang The Age, Lonely Planet mất uy tín trầm trọng khi Thomas Kohnstamm, người đã viết hơn 10 cuốn sách hướng dẫn du lịch, thừa nhận đã không đích thân đến thăm các quốc gia mà mình viết trong sách.

Nhóm PV Văn hóa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm