“Sáng tác” gốm trên 50m đê sông Hồng

15/04/2009 15:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dưới sự tài trợ của Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa (thuộc ĐSQ Đan Mạch), Michael Geertsen đã tới Hà Nội từ ngày 28/2 và hiện đang sống và làm việc tại Bát Tràng để hoàn thành tác phẩm của mình trong dự án Con đường gốm sứ.

Hiện đoạn tranh gốm của Michael Geertsen trên Con đường gốm sứ đang được gắn chạy dài 60m trên đường đê Yên Phụ. Chiều 16/4 tới, ngài Đại sứ Đan Mạch Peter Lysolt Hansen sẽ tới thăm và khánh thành tác phẩm. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Michael Geertsen.

* Được biết, anh rất bận rộn với các cuộc triển lãm vòng quanh châu Âu và Mỹ. Vậy vì lý do gì anh nhận lời mời tới Hà Nội tham gia Con đường gốm sứ?

- Đây là một dự án nghệ thuật công cộng tuyệt vời và tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội được thử sức mình với một tác phẩm gốm ngoài trời hoành tráng như vậy. Và cũng là cơ hội tuyệt vời được để lại dấu ấn nghệ thuật của mình ở một đất nước có truyền thống làm gốm lâu đời ở châu Á, nhất lại là dịp kỷ niệm 1.000 năm tuổi của thủ đô các bạn.
 
Michael Geertsen đang cùng thợ trang trí gốm trên mái đê
sông Hồng

* Nhìn các tác phẩm của anh, ban đầu người xem có cảm giác đó là những khối hình công nghiệp trừu tượng...

Michael Geertsen, sinh năm 1966, các tác phẩm gốm của anh có mặt tại nhiều bảo tàng trên thế giới: Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế (Art & Design) ở New York, Bảo tàng Victoria & Albert ở London và các bảo tàng nghệ thuật ở Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc. Anh cũng giành nhiều giải thưởng thiết kế gốm ở Đan Mạch, Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc và Đức.

- Không đâu, bạn hãy nhìn tôi làm đây này. Tôi tự tay chuốt gốm trên bàn xoay để tạo ra những bình, bát, đĩa, lọ với đủ kiểu dáng và kích cỡ... Sau đó, tôi cắt chúng ra, sắp đặt lại theo một nhịp điệu riêng với những hình cung, hình tròn, hình trụ, tạo nên những khối hình trừu tượng và hiện đại trong một bố cục chuyển động. Bằng cách làm này, tôi dẫn dắt người xem đi từ khối hình này sang khối hình khác...

* Cảm giác của anh khi được sống và làm việc tại Bát Tràng, hòa mình vào cuộc sống dân dã nơi đây?

- Ở Đan Mạch và châu Âu nói chung không còn những làng nghề thủ công truyền thống như thế này. Ở đây, mỗi gia đình đều có xưởng sản xuất riêng và họ sống luôn bên xưởng gốm. Bát Tràng, đúng là một thiên đường gốm! Nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Ở châu Âu gốm sứ bây giờ chỉ sản xuất trong nhà máy. Chỉ số ít các nghệ sĩ gốm và những người thích làm gốm mới có lò gốm nhỏ riêng!
 
Thùy Trang (thực hiện)


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm