01/06/2018 14:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tương tự như ở Việt Nam, xoay quanh việc nên hay không nên cấm xiếc thú ở nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra những phản ứng trái chiều.
Một số nước đã ban hành luật "cấm tiệt" xiếc thú và phạt tiền rất nặng nếu "diễn chui", một số nước thì giảm dần hoặc thay thế động vật hoang dã bằng động vật nuôi, kiểu như Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã và đang "chuyển đổi"...
Xiếc thú ở nhiều quốc gia đã vắng bóng thú hoang dã
Chẳng điểm đâu xa, chỉ tính từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu về điều kiện sống và cách đối xử với động vật tại các rạp xiếc đã ngày một diễn ra mạnh mẽ.
Năm 1998, một nghị sĩ Anh đã chủ trì một nghiên cứu về "vận mệnh" các con thú trong các rạp xiếc ở xứ sở sương mù. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, 95% người dân Anh đều có chung quan điểm là phản đối ngành xiếc sử dụng động vật hoang dã như hổ, voi và chuột túi để diễn trò phục vụ người xem. Còn Hội Hoàng gia ngăn chặn sự tàn nhẫn với động vật (RSPCA) ở Anh thì đưa ra quan điểm: Các rạp xiếc không phải là nơi dành cho động vật hoang dã.
Trước "sức ép" ngày càng tăng, năm 2010 Anh đã cấm sử dụng các động vật như voi, sư tử và những loài động vật hoang dã khác để diễn xiếc, và chỉ cho phép dùng các loài được nuôi trong nhà như thỏ, mèo, chó...
Tháng 7/2015, đạo luật cấm xiếc thú ở Mexico chính thức có hiệu lực khiến 50.000 người đang hoạt động trong ngành xiếc phải đổi nghề hoặc rơi vào cảnh thất nghiệp.
Đạo luật cấm xiếc thú của Mexico cũng "bỗng dưng" trở thành "bộ luật mẫu" để một số nước khác trong khu vực Mỹ Latin như Bolivia, Peru, Paraguay và Colombia áp dụng vào nước mình. Riêng chỉ môn đấu bò tót ở khu vực Nam Mỹ vẫn chưa thể cấm.
Khi bộ luật này có hiệu lực, bất cứ gánh xiếc nào ở Mexico nếu bị phát hiện vi phạm sẽ bị phạt tiền lên tới 70.000 USD và những con vật bị nuôi giữ trái phép sẽ bị tịch thu.
Không chỉ ở khu vực Mỹ Latin, ngày càng có nhiều rạp xiếc đã không còn sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu tròn như Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Singapore, Australia, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch, Hi Lạp, Cộng hòa Séc, Costa Rica, Ấn Độ, Bolivia, Pêru và Israel...
Cần có biện pháp, chế tài với xiếc “cỏ”
Trở lại với đời sống xiếc thú nước nhà, ngay khi nhận được khuyến nghị của AFA, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên đã trực tiếp chỉ đạo Cục Hợp tác Quốc tế xuống ngay Liên đoàn Xiếc Việt Nam để làm việc trên cơ sở trước là tiếp nhận những ý kiến của AFA, sau là rà soát lại việc chăm sóc các con thú, phương pháp huấn luyện... Nếu có hiện tượng đúng như báo cáo của AFA, Bộ sẽ "không nương tay". Ngược lại, "oan" chỗ nào thì nhanh chóng có phát ngôn chính thức để AFA biết, dư luận không hiểu nhầm...
Trả lời câu hỏi của Thể thao & Văn hóa (TTXVN) là nên hay không nên cấm xiếc thú, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng xiếc thú là một bộ môn nghệ thuật rất riêng và ngay từ những buổi sơ khai của ngành xiếc Việt Nam đã hấp dẫn rất đông người xem, đặc biệt là các em thiếu nhi. "Vì thế, quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ việc duy trì xiếc thú. Vấn đề còn lại là chúng ta phải quan tâm, trân trọng những con thú như những người bạn diễn và làm sao đó để chúng được thụ hưởng một cuộc sống tốt nhất thì sẽ không ai phải phàn nàn, nhắc nhở hay đưa ra những khuyến cáo".
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng nêu ra một thực trạng, mà rất có thể từ thực trạng này đã khiến không ít tổ chức bảo vệ động vật, thậm chí đơn thuần chỉ là những người dân bình thường yêu động vật "quy chụp" tất cả các rạp xiếc, vườn thú... đều ứng xử tồi tệ với con thú. Đó là hiện nay ở nước ta có không ít đoàn xiếc “cỏ” về điều kiện chăm sóc những con thú chưa thật sự đảm bảo và đầy đủ.
Việc quản lý các đoàn xiếc tư nhân, xiếc “cỏ” theo Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng không hề dễ bởi hầu hết là của tư nhân, nằm rải rác ở các địa phương, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, nên khi hoạt động hoàn toàn không phụ thuộc vào sự quản lý của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
"Theo tôi các cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương cần phải xem xét lại việc này, cần phải đưa ra những tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với các đoàn xiếc tư nhân, xiếc “cỏ” muốn đến địa phương biểu diễn. Nếu đoàn nào không đáp ứng tiêu chí thì dứt khoát không cấp phép hoạt động. Làm như thế, theo tôi đời sống của các con thú sẽ được nâng cao hơn cả về vật chất lẫn tinh thần" - Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Phải tính kỹ đến yếu tố truyền thống văn hóa Ngoài khuyến nghị "cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc", không ít lần AFA còn đưa gửi thư đến một số địa phương đề nghị dừng các lễ hội mang màu sắc hiến tế, bạo lực liên quan đến động vật. Chẳng hạn, AFA đã gửi thư đến Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kêu gọi chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, đề nghị không tổ chức phần lễ chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) bởi "nhận thấy những tác động tiêu cực của nó đối với vấn đề phúc lợi động vật cũng như các tác động tiêu cực đối với toàn xã hội". Từ đó, AFA cho rằng Việt Nam cần có luật về phúc lợi động vật với những quy định và hướng dẫn thực hiện chăm sóc, sử dụng động vật. "Tôi ủng hộ việc AFA đưa ra ý tưởng cần có một đạo luật về phúc lợi động vật ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi ký kết một công ước mang tính quốc tế nào đó cũng cần phải tính rất kỹ đến yếu tố truyền thống văn hóa của mình để hài hòa chứ không phải hòa tan" - Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh. |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất