Bài 2: Nên xây tháp Hùng Vương như thế nào?

25/09/2008 11:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhân dịp cuộc thi thiết kế tháp Hùng Vương vừa được UBND tỉnh Phú Thọ phát động, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên đã đưa ra một ý tưởng thiết kế giàu ý nghĩa: xây tháp 18 tầng, 2796 lớp gạch; bệ tháp hình bó lúa, đỉnh tháp hình trống đồng... Ông nêu rõ: "Tôi xin đăng ký bản quyền ý tưởng của mình kính nhờ báo TT&VH đưa ra trước công luận".
 
»» Bài 1: Tháp Hùng Vương - có nên đặt ở đồi Mom Gà?

Lăng trong di tích Đền Hùng. Ảnh do tác giả cung cấp
1. Thân tháp: Tính từ bệ, thân tháp sẽ có chiều cao 2796 lớp gạch ứng với 2796 năm tồn tại của thời đại Hùng Vương theo ngọc phả. (Sách Đại Việt sử ký Toàn thư viết, thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, nhưng không nói rõ bao nhiêu đời, mỗi đời bao nhiêu năm. Bởi vậy cần căn cứ vào Ngọc phả). Mỗi tầng ứng với số năm làm vua của một đời (tất nhiên là theo ngọc phả, không phải thực, có thể coi đây là con số tâm linh). Ví dụ: Kinh Dương Vương làm vua 215 năm thì ứng với 215 lớp gạch, Lạc Long Quân làm vua 400 năm thì ứng với 400 lớp gạch...v...v..Tính từ dưới lên:

Tầng 1 ứng với Kinh Dương Vương làm vua 215 năm, bằng 215 lớp gạch

Tầng 2 ứng với Lạc Long Quân làm vua 400 năm, bằng 400 lớp gạch

Tầng 3 ứng với Hùng Quốc Vương làm vua 221 năm, bằng 221 lớp gạch

Tầng 4 ứng với Hùng Diệp Vương làm vua 300 năm, bằng 300 lớp gạch

Tầng 5 ứng với Hùng Hy Vương làm vua 200 năm, bằng 200 lớp gạch

Tầng 6 ứng với Hùng Huy Vương làm vua 87 năm, bằng 87 lớp gạch

Tầng 7 ứng với Hùng Chiêu Vương làm vua 200 năm, bằng 200 lớp gạch

Tầng 8 ứng với Hùng Vi Vương làm vua 100 năm, bằng 100 lớp gạch

Tầng 9 ứng với Hùng Định Vương làm vua 80 năm, bằng 80 lớp gạch

Tầng 10 ứng với Hùng Uy Vương làm vua 90 năm, bằng 90 lớp gạch

Tầng 11 ứng với Hùng Chinh Vương làm vua 107 năm, bằng 107 lớp gạch

Tầng 12 ứng với Hùng Vũ Vương làm vua 96 năm, bằng 96 lớp gạch

Tầng 13 ứng với Hùng Việt Vương làm vua 105 năm, bằng 105 lớp gạch

Tầng 14 ứng với Hùng Ánh Vương làm vua 99 năm, bằng 99 lớp gạch

Tầng 15 ứng với Hùng Triều Vương làm vua 94 năm, bằng 94 lớp gạch

Tầng 16 ứng với Hùng Tạo Vương làm vua 92 năm, bằng 92 lớp gạch

Tầng 17 ứng với Hùng Nghị Vương làm vua 160 năm, bằng 160 lớp gạch

Tầng 18 ứng với Hùng Duệ Vương làm vua 150 năm, bằng 150 lớp gạch

Tổng quan thân tháp có chiều cao thể hiện 2796 lớp gạch màu đỏ tươi. Nếu tính mỗi lớp gạch là 0,5dm thì thân tháp cao 139,8m. Nếu muốn tháp thấp nữa thì dùng 2796 lớp gạch mỗi lớp dày 0,25 dm thì thân tháp sẽ có chiều cao 69,9m. Nếu lấy 139,8m thì chắc chắn nóc tháp sẽ cao hơn núi Nghĩa Lĩnh và núi Vặn, có tầm “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”, vấn đề là khả năng xây dựng.

Có thể đồng bào chỉ nhìn thấy 18 tầng được phân biệt bởi mái vẩy và chiều cao của mỗi tầng khác nhau lạ lùng rất bắt mắt, mà không nhìn rõ được mỗi tầng có bao nhiêu lớp gạch ứng với số năm làm vua của mỗi vị. Nhưng sẽ có bảng thuyết minh tháp, nói ý nghĩa của từng chi tiết, và được thể hiện trên mô hình mẫu tháp để đồng bào xem. Điều này sẽ đem lại ấn tượng trong lòng đồng bào về ngọn tháp kỷ niệm 18 đời Vua Hùng bằng ngôn ngữ kiến trúc.

Thân tháp nên xây hình trụ vuông, mỗi cạnh đáy 10m tường dầy 40 – 50 cm. Chân tầng trên giật vào so với tầng dưới 10cm nghĩa là khối hộp trụ vuông trên nhỏ hơn khối hộp trụ vuông dưới mỗi cạnh 20cm. Như vậy đến tầng ngọn tháp mỗi cạnh còn 6,4m, đảm bảo sự bền vững. Tất cả 18 tầng đều đổ sàn và trổ cửa tò vò ra 4 mặt đông tây nam bắc. Tầng dưới lên tầng trên có bậc như nhà cao tầng vậy. Để phân biệt giữa các tầng là mái vẩy, nhìn từ xa trông rõ 18 tầng. Trang trí mỗi ô mặt tháp gắn một mảng phù điêu bằng đá ở điểm trung tâm, có tất cả 72 ô mặt tháp. Mẫu phù điêu dựa trên các hiện vật thời Hùng Vương như: các loại rìu đá, các loại rìu đồng, các loại vòng tay, các hình thuyền trên trống đồng, người hóa trang vẽ trên trống thạp đồng, các hoa văn gốm...

Có thể cho phép du khách lên các tầng nhìn ra xung quanh ngắm cảnh bằng mắt thường hoặc ống nhòm qua 4 ô cửa tò vò có chấn song bảo hiểm.

2. Bệ tháp: Hình bó lúa tròn đường kính độ 20m cao độ 5m tọa lạc giữa đỉnh núi Trọc lớn. Cây lúa nước do Vua Hùng tìm ra phương pháp gieo cấy đưa lại nguồn lương thực dồi dào là nền tảng kinh tế thời Hùng Vương, tiền đề của văn minh Lạc Việt. Ngày nay cũng như mai sau cây lúa vẫn là cây lương thực trọng yếu của dân ta. Cho nên dùng hình tượng bó lúa làm bệ tháp là hợp lý, nó hết sức độc đáo, chưa từng có ở Ta, Tầu, Tây. Đứng trên bệ xung quanh thân tháp là 54 pho tượng của 54 sắc tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, xen kẽ 27 nam và 27 nữ nắm tay nhau.

3. Nóc tháp: Hình chiếc trống đồng Đông Sơn loại 1 đặt trên tầng thứ 18 chờm khỏi mép tháp dùng làm nóc. Trên mặt trống đặt con chim Lạc bằng đồng đứng, mỏ ngậm ngọn đèn đỏ phát sáng cả ngày lẫn đêm. Trống đồng loại 1 là đỉnh cao của văn minh Lạc Việt, con chim Lạc vẽ trên trống đồng là một đặc trưng văn hóa thời Hùng Vương. Vì vậy dùng hình tượng trống đồng và hình tượng chim Lạc làm nóc tháp là hợp lý. Cũng thuộc loại độc đáo chưa từng có.
 
Nhà nghiên cứu VŨ KIM BIÊN

Bài 3: Cần khôi phục các di vật đã mất trên núi Nghĩa Lĩnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm