21/11/2018 06:41 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Một tay vợt tài năng sẽ cần một siêu HLV để truyền cảm hứng. Nhận định ấy rất đúng với Alexander Zverev, người đã có danh hiệu lớn đầu tiên trong đời, ba tháng sau khi anh mời Ivan Lendl gia nhập đội ngũ HLV.
Đêm trước khi khai mạc ATP Finals, một phóng viên đã hỏi Alexander Zverev rằng liệu mọi người có thể thấy hiệu ứng Ivan Lendl trong lối chơi của anh hay không. “Không thể ngay lập tức được, tôi hy vọng là vào đầu năm sau”, anh đáp, nhưng lại thòng thêm một câu: “Chúng ta sẽ biết đó vào tuần này thôi”.
Khi Zverev ăn mừng giây phút lịch sử ở sân O2, Lendl vẫn ngồi khá trầm tĩnh trên khán đài, dù thực tế, ông có quyền nở nụ cười khoan khoái. Zverev, người đã thuê Ivan Lendl ngay trước Mỹ mở rộng, đã quật ngã cả Roger Federer lẫn Djokovic, chủ nhân của 11 chức vô địch ATP Finals, để lên ngôi vô địch.
Ivan Lendl không phải HLV toàn thời gian với Zverev, nhưng giống như với Murray, ông cũng mang đến những thay đổi tích cực. Đầu tuần trước, Zverev còn bị Djokovic áp đảo từ đầu đến cuối ở vòng bảng. Nhưng trong lần tái ngộ ở chung kết, anh đã thay đổi chiến thuật, khi pha trộn giữa thứ tennis tấn công và khả năng phòng ngự tuyệt vời. Những cú giao bóng của anh cũng “mượt” hơn, và ăn điểm nhiều hơn.
Ngày Lendl làm việc với Murray, ông đã đưa anh giành 3 Grand Slam, và những thay đổi nhỏ nhặt nhất hóa ra lại là chìa khóa thành công. Khi Murray bật khóc vì thua Federer ở chung kết Wimbledon, Lendl bảo anh rằng anh sẽ không bao giờ cảm thấy tệ như vậy trên sân đấu nữa. Gần một tháng sau, Murray giành HCV Olympic, và vài tuần sau bỏ túi luôn cả US Open. Năm sau đó, anh giành Wimbledon. Trong lần thứ hai làm việc cùng Lendl, Murray giành 1 Wimbledon nữa, và bảo vệ thành công tấm HCV Olympic.
Đằng sau vẻ lạnh lùng của Lendl (ông thường về nhà ngay sau trận đấu, chứ không giao lưu cùng mọi người trong đội ngũ HLV), là một chuyên gia tâm lý. Ông biết khi nào cần cứng rắn với học trò, cũng như khi nào cần dang rộng vòng tay. Zverev cần một HLV như thế, chứ không đơn thuần chỉ là truyền cảm hứng từ quá khứ vinh quang của ông.
Zverev từng bị đám đông la ó vì xin trọng tài dừng trận bán kết với Federer do một cậu bé nhặt bóng để bóng lăn vào sân. “Tôi cảm thấy mình đã làm đúng, nhưng đám đông thì không thích”, Zverev có phần ấm ức, Nhưng Lendl nhắn nhủ: “Chuyện bình thường thôi. Họ là fan của Roger, anh ấy xứng đáng có nhiều fan nhất thế giới. Hãy cứ ra sân và tận hưởng”.
Lendl từng bảo Murray phải đứng gần vạch baseline và tấn công mạnh mẽ hơn. Với Zverev, ông nhắn nhủ rằng cần phải biết chọn thời điểm để tấn công, điều mà anh không làm được khi chạm trán tay vợt này ở vòng bảng. “Ông ấy đã phân tích trận đấu mà tôi gặp Novak vài ngày trước, và bảo tôi thay đổi một số thứ”, Zverev tiết lộ sau trận chung kết, “Tôi đã chơi quyết liệt hơn, đánh trái bóng sớm hơn. Rõ ràng, với những kinh nghiệm ở trong và ngoài sân đấu, Ivan thật tuyệt vời”.
Sau 5 chức vô địch trong năm 2017, Zverev đã giành danh hiệu thứ 4 trong năm 2018 và là danh hiệu quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh. Năm thứ hai liên tiếp, anh kết thúc năm với vị trí thứ 4, và với khá ít điểm phải bảo vệ ở Grand Slam 2019, anh có thể sẽ còn thăng tiến hơn nữa.
“Tôi hy vọng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Tôi còn trẻ, tôi muốn cải thiện mọi thứ. Điều đó rất có ý nghĩa với tôi”, Zverev quả quyết. Và trên hành trình đó, anh sẽ còn phải cậy nhờ Ivan Lendl rất nhiều.
Đừng như Dimitrov! Zverev đã giành danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp, nhưng anh không được phép tự mãn. Bài học của nhà vô địch ATP Finals 2017 Grigor Dimitrov vẫn còn nóng hổi. Một năm trước, Dimitrov đã đứng đầu bảng Pete Sampras với 3 chiến thắng trước Careno Busta, Dominic Thiem, và David Goffin. Đến bán kết, anh loại Jack Sock với tỷ số 4-6, 6-0, 6-3. Và khi tái ngộ Goffin ở chung kết, Dimitrov đã thắng 7-5, 4-6, 6-3 để lên ngôi vô địch. Sau danh hiệu đó, Dimitrov leo lên hạng 3 thế giới. Những tưởng đó là cú hích trong sự nghiệp "tiểu Federer", nhưng rồi anh sa sút khủng khiếp trong năm 2018. Sau khi dừng bước ở tứ kết Australian Open 2018, Dimitrov bị loại rất sớm ở Roland Garros (vòng 3), Wimbledon (vòng 1), US Open (vòng 1). Trong năm 2018, Dimitrov chỉ lọt vào đúng 1 trận chung kết, tại Rotterdam Open, nhưng đã thua Federer 2-6, 2-6. Hiện tại, tay vợt người Bulgaria đã tụt xuống hạng 19 thế giới. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất