Những người Đức và Wembley: Một câu chuyện tình

25/05/2013 07:04 GMT+7 | Champions League

(lienminhbng.org) - Quả phạt đền quá hiền của Gareth Southgate bị đẩy ra dễ dàng. Cú sút sấm sét của Andreas Moller giúp tuyển Đức loại Anh ở bán kết Euro 1996. Người Đức tiến vào chung kết, đánh bại CH Czech.


ĐT Đức vô địch EURO 1996 ở Wembley

Đó là danh hiệu gần nhất của ĐT Đức. Và đêm nay, cũng ở Wembley đầy kỷ niệm, người Đức chắc chắn chấm dứt cơn khát danh hiệu Champions League đã kéo dài 12 năm.

17 năm trước

Đã 17 năm trôi qua kể từ khi một đội bóng Đức giành chiến thắng trong một trận đấu lớn ở Wembley, nhưng những huyền thoại gắn họ với sân bóng là thánh địa của bóng đá Anh, và có lẽ của cả thế giới nữa, không vì thế mà mất đi. Những sử liệu về “Trận chung kết ngựa trắng”, những khoảnh khắc anh hùng của Bert Trautmann năm 1956, việc các CĐV Đức tìm cách “bắt cóc” một cuộc bỏ phiếu trên mạng nhằm đặt lại tên cho cầu Wembley mới (đề xuất của họ là Dieter Hamann) và đương nhiên, “bàn thắng đáng ngờ” của Geoff Hurst tại chung kết World Cup 1966, những kỷ niệm của người Đức với Wembley sẽ sang một chương kỳ vĩ mới. Thật trùng hợp khi trận chung kết tối nay giữa Bayern Munich và Borussia Dortmund lại có ý nghĩa kỷ niệm 150 năm ngày thành lập LĐBĐ lâu đời nhất hành tinh, FA.

Với hầu hết những người yêu bóng đá, Wembley đồng nghĩa với bóng đá Anh. Và vì mối kình địch giữa hai phía, một số người Đức không muốn nhắc nhiều đến sân bóng, mà muốn nhấn mạnh vào các đội sẽ đá chung kết. “Đây là cơ hội để cho thế giới thấy sức sống mãnh liệt của bóng đá Đức, rằng chúng tôi đã bắt kịp những đối thủ lớn nhất”, Chủ tịch danh dự của Bayern, Franz Beckenbauer, phát biểu trước trận chung kết. Về sân Wembley, huyền thoại của bóng đá Đức, nay đã 67 tuổi, cũng có những ký ức đẹp: “Tôi nhớ nhất là World Cup 1966, tôi có trận đầu tiên cho đội tuyển quốc gia. Chung kết gặp Anh, ứng cử viên số một lúc đó. Bóng đá Anh đã giúp tôi tiến bộ trong sự nghiệp của mình”.

Đừng ngạc nhiên với những gì Beckenbauer nói. Trận chung kết đầy tranh cãi kết thúc với thất bại 2-4 dưới tay đội bóng của Sir Alf Ramsey và một tay trọng tài biên người Azerbaijan, Tofik Bahramov, thậm chí còn không khiến người Đức nổi giận bằng thất bại 2-3 trước Áo ở World Cup 1978 và những màn trình diễn nhạt nhẽo và bất lực ở các kỳ Euro 2000 và 2004. Có lẽ những chiến thắng ở Wembley vào các năm 1972, 1996 và 2000 của người Đức, cùng 2 danh hiệu vô địch World Cup trong khoảng thời gian đó, đã đủ để an ủi cho trận thua năm 1966.

Cũng có thể bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard ở Bloemfontein tại World Cup 2010 đã gợi lại những ký ức cũ. Dù cho lý do có là gì, Wembley 1966 đã trở thành một câu chuyện cổ dân gian của bóng đá Đức, một thời khắc hoài niệm, cay đắng nhưng cũng đáng nhớ. Dẫu vậy, bước vào trận chung kết Champions League mùa này, ít người ở cả hai phía Bayern và Dortmund nói về Wembley.

Và hiện tại

Trước hết, hầu hết họ còn lạ lẫm với sân bóng ấy bởi Arjen Robben là cầu thủ duy nhất từng đá một trận chung kết ở Wembley, khi Chelsea thắng M.U 1-0 tại Cúp FA năm 2007. Hiểu biết sâu sắc nhất về sân bóng mà Philipp Lahm có thể nêu ra là “một sân đẹp, tôi từng thắng trận ở đó”. Hậu vệ cánh 29 tuổi này đá tiền vệ phòng ngự trong một trận giao hữu mà Đức đánh bại tuyển Anh của HLV Steve McClaren năm 2007.

Về phần Dortmund, họ còn ít quan tâm tới sân bóng hơn. Họ đã có một câu chuyện quá hiển hách. Từ chỗ suýt phá sản, BVB giờ là đội hùng mạnh thứ 2 ở Bundesliga với một đội hình trẻ trung đầy tiềm năng và HLV ngầu nhất thế giới bóng đá, Jurgen Klopp. “Chúng tôi không phải là đội bóng mạnh nhất thế giới, nhưng chúng tôi có thể đánh bại đội mạnh nhất thế giới”, Klopp tuyên bố.

Không như những năm 1966 và 1996, lần này Nữ hoàng Elizabeth II sẽ không thể đến Wembley để trao cúp.

Cũng là dễ hiểu thôi, không có gì hoàn hảo cả.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, đội bóng nào sẽ vô địch Champions League mùa bóng này?


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm