Ông Vital đã đi Tây

18/05/2013 19:14 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Huấn luyện viên Francisco Vital có thể coi là một nhân chứng sống của lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp. Ông đã nhiều phen lận đận và lần này không chịu nổi áp lực, phải từ chức càng củng cố xu hướng thất sủng của chính sách dùng thầy ngoại.

Đây là huấn luyện viên ngoại thứ hai, sau Cho Yoon Hwan (Becamex Bình Dương), nói lời chia tay với V-League khi mọi thứ chỉ mới ở chặng khởi động. Về cơ bản, lãnh đạo hai đội bóng trên đã rất ủng hộ, kiên nhẫn với tướng ngoại, nhưng sự kiên nhẫn đã vượt giới hạn bởi nếu không có sự thay đổi ở ghế huấn luyện viên trưởng, một thảm họa là khó tránh khỏi.



HLV Vital (đứng) là HLV ngoại thứ hai mất việc trong mùa giải 2013. Ảnh: Dương Thu

B.BD và Đồng Tâm Long An không có may mắn như Hoàng Anh Gia Lai, có thành tựu dù có lúc ông thầy ngoại của đội bóng phố núi cũng bị đẩy vào thế miệng vực. Vẫn chưa thể nói ghế của huấn luyện viên trưởng HA.GL đã chắc chắn, dù “Gỗ” đang gặt hái những thành tựu đáng khích lệ.

Huấn luyện viên Marcelo Juleta làm sao có thể giúp ĐT.LA thoát khỏi nguy cơ rớt hạng, khi bản chất “Gạch” có quá nhiều vấn đề về chuyên môn. Thời điểm này, nếu huấn luyện viên Henrique Calisto có về lại Bến Lức cũng bó tay chịu trận. Tóm lại, lực của ĐT.LA hiện tại chỉ đủ tầm chơi ở giải hạng Nhất.

Kể cả về tâm lý, ĐT.LA mang tiếng tân binh, nhưng họ không có nhiều năng lượng kiểu như Đồng Nai. Chúng ta không khó cảm sau lưng thầy trò huấn luyện viên Trần Bình Sự có sức mạnh khủng khiếp từ sự ủng hộ của khán giả. Cái kiểu máu lửa của cầu thủ Đồng Nai khác nhiều so với quân của “Gạch”. Sự khác biệt lớn nhất ở hai đội bóng này, đấy là dấu ấn của huấn luyện viên Trần Bình Sự, rõ nét hơn nhiều đồng nghiệp Vital. Chính ông Sự “Gỗ” mới là yếu tố quan trọng nhất, là linh hồn làm nên sự lợi hại của anh tân binh Đồng Nai.

Tương tự là vai trò của huấn luyện viên Lê Thụy Hải ở B.BD. Dấu ấn của ông Hải, không chỉ là chuyên môn tốt, còn nằm ở năng lực quản trị nhân sự, điều mà đa số huấn luyện viên ngoại đều không làm tốt.

Sự thất sủng của huấn luyện viên ngoại đã quá rõ ràng, khi 13 năm chỉ mỗi ông Calisto là cầm được quân và tạo được triết lý huấn luyện ở hai cấp, câu lạc bộ ĐT.LA và đội tuyển quốc gia. Vấn đề  tiền bạc không còn là rào cản với các đội bóng trong việc sử dụng thầy ngoại.

Tất cả chỉ nằm ở chỗ, vẫn chưa phải thời điểm chất xám của huấn luyện viên ngoại có đất nảy mầm ở hai giải đấu chuyên nghiệp. Thế nên, mới có nhiều cảm thán kiểu Alex Ferguson hay Jose Mourinho nếu sang Việt Nam… cũng thế thôi. Ngay cả các đội tuyển quốc gia, phương án sử dụng thầy nội đã được quán triệt. Những người có trách nhiệm với bóng đá nội xác định với thực trạng hiện nay của bóng đá Việt Nam, rất khó để đưa thành tích tăng trưởng đột biến, kể cả trả lương cao và tuyển được huấn luyện viên giỏi.

Trong hằng hà sa số huấn luyện viên, chuyên gia ngoại từng làm việc ở địa hạt thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, không thiếu người có năng lực. Nguồn chất xám đó đành lãng phí, do sự thiếu chuyên nghiệp trong hành động, ý thức của những người đã và đang làm bóng đá chuyên nghiệp. Ông Vital xin xuống làm công tác đào tạo trẻ cho “Gạch”, như thế tốt cho ông và cho ĐT.LA hơn.

Không chỉ bóng đá, tất cả các lĩnh vực khác ở ta vẫn cần có những nhân sự cao cấp đến từ nước ngoài nắm giữ các vị trí chủ chốt. Với bóng đá, với những mục tiêu quẩn quanh trong ao làng Đông Nam Á ở cấp đội tuyển, quẩn quanh với mục tiêu trụ hạng là chính ở cấp câu lạc bộ, thì cần gì huấn luyện viên ngoại cho tốn kém.

Nhiều khả năng, sau các ông Lê Thụy Hải, Trần Bình Sự, Vương Tiến Dũng, những cuộc tổng động viên các huấn luyện viên lão làng trở lại hai giải chuyên nghiệp nội địa sẽ được tiếp tục. Buồn hay vui khi nhân tài như lá mùa thu?

Hữu Quý
Thể thao &Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm