15/07/2013 18:53 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Bảy mươi bảy năm sau chiến thắng của huyền thoại Fred Perry, nước Anh mới lại có một tay vợt đăng quang tại Wimbledon và người đó là Andy Murray, hạt giống số hai hiện nay của làng tennis thế giới.
Để trở thành công dân nước Anh đầu tiên vô địch Wimbledon từ năm 1936 đến nay, Andy đã phải vượt qua, trong trận chung kết, không ai khác ngoài Novak Djokovic, tay vợt đang chễm trệ trên ngôi đầu trong bảng xếp hạng của ATP. Đáng nói, đây còn là một chiến thắng tuyệt đối, với tỷ số 3-0 mà không một ai có thể nghĩ tới, mặc dù là toàn sát nút (6-4, 7-5 và 6-4).
Djokovic thua cả về thể lực và tâm lý
“Nole”, tên thân mật của Djokovic, bắt đầu trận đấu với ba lần có nguy cơ thua ngay trong game đầu tiên mà anh giao bóng. Hai đối thủ phải mất 20 phút mới đi đến tỷ số 2-1, nửa giờ là 3-2 và một giờ để tranh giành set đầu tiên. Có những lần đôi công kéo dài tới 30 quả bạt dưới cái nóng 33 độ C và một khán đài chật cứng, gào thét như một bầy sói đói. Ngôi sao người Serbia, vốn đã mệt nhoài sau trận đấu kéo dài 4 giờ 43 phút để đánh bạy tay vợt người Argentina, Juan Martin del Potro trong trận bán kết, đã không thể chịu đựng được những đòn tấn công của Murray và độ nóng tỏa ra từ các khán giả nước chủ nhà.. Liên tục mắc lỗi tự đánh hỏng (40 lần so với 21 của đối thủ), nôn nóng trong khi ra đòn quyết định, Djokovic đã đánh mất mình trước một Murray quyết tâm làm nên lịch sử.
Không chỉ mỏi mệt về thể lực, Nole còn run sợ trước khán đài dậy sóng và rơi vào một cái bẫy chết người: đánh mất sự bình tĩnh vốn có. Anh thét lên, nghiến răng nghiến lợi nhìn lên trời và buông ra cả những cầu chửi thề và có lần còn trút cơn giận dữ lên trọng tài chính.
Để ngăn chặn việc khán giả nước chủ nhà liên tục hô vang “Tiến lên Andy” , tay vợt người Serbia nghĩ rằng cần phải đánh nhanh, tránh những quả đôi công, mặc dù điểm mạnh của anh luôn là giữ vững nhịp độ trận đấu, thi đấu uyển chuyển và chơi từ cuối sân. Và đó là một sai lầm tệ hại. Do nôn nóng dứt điểm, Djokovic liên tục mắc lỗi tự đánh hỏng, cả khi tấn công lẫn khi lên lưới hoặc bỏ nhỏ để rồi thua ngay trong một số set mà mình giao bóng: 4-1 ở set thứ hai, 4-2 ở set thứ ba.
Andy Murray đã làm nên lịch sử ở Wimbledon
Trong khi đó, Murray đã rất khôn ngoan cài bóng để Djokovic không thể tấn công vào hai góc, bởi vì đây là điểm mạnh nhất của tay vợt số một thế giới. Bình tĩnh đứng sát vạch vôi ở cuối sân, tay vợt người Anh phòng thủ chắc chắn bằng những quả đôi công bóng dài, xen lẫn những pha bạt ngắn và bất ngờ thay đổi nhịp độ trận đấu khiến đối thủ muốn mở sân sang hai cánh buộc phải mạo hiểm. Những cú vụt trái tay và cả những quả bạt thuận tay của tay vợt người Serbia rất nhiều lần rúc lưới hoặc ra ngoài và do di chuyển vội vàng, nhiều lần Djokovic đã trượt ngã. Đã thế, Murray còn giao bóng rất hay, ghi tới chín quả ăn điểm trực tiếp, nhiều quả vào góc chữ T, và giành tới 72% số điểm trong lần giao bóng thứ nhất.
Danh hiệu vô địch Wimbledon 2013 đến với tay vợt người Anh sau 77 năm chờ đợi đến như một sự tất yếu.
Thành công tiếp nối
Tuy đây là lần đầu tiên Andy Murray đăng quang tại một Grand Slam trên quê hương mình, nhưng đây không phải là Giải Lớn duy nhất mà anh chinh phục được. Danh hiệu quan trọng đầu tiên của Murray sau nhiều lần thất bại trước ngưỡng cửa vinh quang là chiếc huy chương vàng Olympic London 2012, đánh dấu chấm hết cho cơn khát danh hiệu kéo dài nhiều năm trước đó. Ngay sau đó, Murray đã dành Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi vô địch giải Mỹ Mở rộng 2012 (US Open). Wimbledon 2013, danh hiệu Grand Slam thứ hai của Murray, là sự tiếp nối của chuỗi thành công từ hai năm nay. Việc nhiều lần lọt vào chung kết trong các giải đấu lớn cho thấy sự thăng tiến vượt bậc của tay vợt người Anh, không chỉ về mặt chuyên môn mà cả về mặt ý chí và tinh thần, một điều mà huấn luyện viên Ivan Lendl, thầy dạy của Murray, luôn rất coi trọng.
Trong nhiều năm, các Giải Lớn luôn là hàng rào không thể vượt qua đối với Murray, “kẻ thua cuộc” trong bốn lần đầu tiên lọt vào chung kết Grand Slam: một tại US Open 2008, hai lần tại giải Australia Mở rộng (2010 và 2011) và mới nhất là Wimbledon 2012.
“Tôi nghĩ mình đã kiên trì. Có lẽ sự nghiệp của tôi cũng là như vậy. Tôi đã chịu nhiều thất bại đau đớn, nhưng tôi nghĩ qua mỗi năm tôi lại tiến bộ một ít. Nó không phải là sự thăng tiến vượt bậc hay những thay đổi lớn, nhưng mỗi năm vị trí của tôi trên bảng xếp hạng luôn đi theo hướng đúng. Càng ngày tôi càng tiến sâu tại các giải Grand Slam. Tôi tiếp tục học hỏi và làm việc hết sức mình”, Murray trải lòng với báo giới sau chiến thắng lịch sử vừa qua.
Việc tay vợt huyền thoại Ivan Lendl chấp nhận làm huấn luyện viên đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thăng tiến của Murray. Là người cũng từng thua cuộc trong bốn lần đầu lọt vào chung kết các giải Grand Slam để rồi sau đó giành được tám chức vô địch Giải Lớn, Lendl có đủ tài năng và kinh nghiệm để truyền đạt tay vợt hạt giống số hai thế giới hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói về ông thầy của mình, Murray đã nhận xét: Ông ấy luôn tin tưởng vào tôi trong khi nhiều người khác không làm như vậy. Tôi đã có những thật bại nặng trong những năm qua, nhưng Lendl đã rất bình tĩnh với tôi. Tôi thật hạnh phúc và muốn dành tặng chức vô địch này cho ông ấy”. Và cũng thật tình cờ, Wimbledon là giải lớn duy nhất mà Ivan Lendl chưa giành được dù có tới tám Grand Slam.
Chặng đường gian khổ Từ năm 2008, Andy Murray bắt đầu củng cố vững chắc ngôi vị của mình trong nhóm “top ten”. Tuy nhiên, anh không may mắn vì đã chơi cùng thời với một Roger Federer hay nhất trong lịch sử làng quần vợt thế giới, một Rafael Nadal là “Vua sân đất nện” và một Novak Djokovic xuất chúng, những người đã độc chiếm các giải Grand Slam trong hơn một thập kỷ qua. Trong các năm từ 1879 đến 2009, đã có 55 nhà vô địch Wimbledon không bảo vệ danh hiệu Grand Slam sân cỏ do chấn thương, bóng đập vào mắt, nhiễm trùng máu, mang thai hoặc một số lý do khác, trong đó có những tên tuổi lớn như Rafael Nadal, Steffi Graff, Ivanisevic, Hamilton. Mặc dù vậy, cùng với Roland Garros (sân đất nện), Mỹ Mở rộng (sân mặt cứng) và Australia Mở rộng (sân sợi tổng hợp), giải Wimbledon là một trong bốn Grand Slam mà bất cứ một tay vợt nào cũng mơ ước một lần vô địch. |
Khang Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất