13/07/2020 15:56 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến ngày 8-7-2020, toàn vùng Tây Nguyên đã có 68 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Có hơn 10 ổ dịch ở các khu dân cư người dân tộc thiểu số.
Nhiều ngôi làng đã được khoanh vùng, cách ly để truy vết nguồn bệnh. Trước tình hình này, chiều ngày 9-7-2020, tại Trường PTTH Nguyễn Huệ, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế tổ chức phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên.
* Về bệnh bạch hầu
Bệnh Bạch hầu (Diphtheria) là bệnh truyền nhiễm nhóm B do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tạo ra giả mạc ở tuyến hạnh nhân (amidan), hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đặc tính của bệnh bạch hầu là vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn Bạch hầu gây nên.
Lịch sử bệnh bạch hầu: bệnh bạch hầu được Hippocrates miêu tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Một số tài liệu cũng gợi ý đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Syria và Ai Cập cổ đại. Vào thế kỷ XVII có rất nhiều vụ dịch đã tàn phá gây chết người hàng loạt tại châu Âu. Ở Tây Ban Nha bệnh được biết dưới tên gọi "El garatillo" (kẻ treo cổ), còn ở Ý bệnh Bạch hầu có tên là "bệnh cổ họng". Vào thế kỷ XVIII bệnh Bạch hầu lan rộng đến các thuộc địa ở Mỹ và gây nên vụ dịch vào khoảng năm 1735. Vào thời điểm đó thường chỉ trong vòng vài tuần thì cả gia đình có người mắc bệnh đều lần lượt tử vong toàn bộ.
Vi khuẩn bạch hầu được phân lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX.
* Dịch tễ bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng. Năm 1923, vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ.
Theo Cục Y tế Dự phòng, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc bệnh bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ em; từ trên 13.000 trường hợp bạch hầu mỗi năm trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, giảm xuống 1.130 trường hợp năm 1990 và năm 1994 còn 614 trường hợp.
Tại Việt Nam, thời kỳ chưa tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao, xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.
* Bệnh lây truyền như thế nào?
- Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu.
Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu.
- Thời gian ủ bệnh: từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.
- Thời kỳ lây truyền: người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần.
Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.
* Tính cảm nhiễm và miễn dịch
- Kháng thể miễn dịch với bệnh bạch hầu của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ trẻ đến 6 tháng tuổi.
- Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu.
- Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.
* Triệu chứng và biến chứng
- Người bệnh Bạch hầu có triệu chứng viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, đau khi nuốt, da xanh, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
- Trong vòng 2-3 ngày, giả mạc bắt đầu xuất hiện, thường có màu trắng ngà hoặc màu xám, dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
- Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em, biểu hiện tại chỗ là giả mạc thanh quản và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, liệt thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động ngoại biên và viêm cơ tim, có thể gây tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh là 5-10%.
* Phòng bệnh
- Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
- Tiêm vắc xin bạch hầu
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông) hiện đang lưu hành dịch bạch hầu: tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho tất cả người dân từ 2 tháng tuổi trở lên.
- Điều trị kháng sinh dự phòng
Tiêm 1 liều đơn benzathine penicillin (trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị);
Hoặc uống Erythromycin: trẻ em 40mg/kg/ngày, 10mg/kg/lần mỗi 6 giờ, trong 7 ngày; Người lớn 1g/ngày, 250mg/lần mỗi 6 giờ trong 7 ngày.
Hoặc Azithromycin: trẻ em 10-12mg/kg 1 lần/ngày, tối đa 500mg/ngày, điều trị trong 7 ngày; Người lớn: 500mg/ngày, trong 7 ngày.
Theo Bộ Y tế
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất