Bao cấp hôm qua - di sản hôm nay

14/02/2016 06:31 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975 - 1986” không chỉ là một triển lãm đơn thuần. Đó là sự bắt đầu, để chúng ta có những phản biện, hoài niệm và đánh giá về “đêm trước Đổi Mới”.

“Cả Thủ đô của Việt Nam xôn xao về một màn trình diễn bất thường”- tờ Wall Street Jounal (Nhật báo phố Wall, Mỹ) bình luận trong một bài viết vào tháng 7/2006, một tháng sau khi triển lãm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) khai mạc. Thu hút khoảng 300.000 lượt người xem, Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975-1986 đã phải kéo dài suốt một năm, thay vì nửa năm như dự kiến.

Đi tìm “chìa khóa”

Triển lãm thuộc chương trình “Hỗ trợ tổng kết 20 năm đổi mới” (1986 – 2006), do Viện Khoa học Xã hội VN thực hiện. Nhưng  ít ai biết, Triển lãm là sự kiện xuất hiện ở “phút thứ 89” của dự án này.

“Dự án triển khai từ 2004 trên rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội học, quốc tế, sử học. Không có hoạt động nào về bảo tàng, có lẽ vì không ai nghĩ đây là đối tượng có thể đóng góp cho dự án” – PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng DTHVN, kể.


PGS Nguyễn Văn Huy

Tiếp cận với dự án ấy, ông Huy băn khoăn: Những gì đang triển khai chủ yếu vẫn là sự tôn vinh các thành quả, ý nghĩa của Đổi Mới, trong khi phần lý do, nguyên nhân dẫn tới cuộc thay đổi lịch sử này chưa được quan tâm. “Đó là cơ hội tuyệt vời để tổ chức một cuộc trưng bày về bao cấp – chủ đề ít nhiều vẫn được coi là nhạy cảm trong quá khứ” – PGS Huy nói.

Giữa năm 2005, đề xuất của ông Huy được chuyển lên Viện Khoa học Xã hội VN (cơ quan chủ quản của Bảo tàng DTHVN). Khá bất ngờ, ý tưởng này nhận được sự đồng thuận rất cao từ Hội đồng tư vấn cho dự án “Hỗ trợ tổng kết 20 năm đổi mới”. Tất cả, những thành viên thuộc Hội đồng đều là những người đã sống qua thời bao cấp, đã có những trải nghiệm, những cái nhìn tương đối khách quan, đúng mực sau độ lùi thời gian gần 20 năm.

Thậm chí, thay vì kinh phí 148 triệu đồng dự kiến, 397 triệu đồng đã được rót cho triển lãm này, để việc chuẩn bị, sưu tập hiện vật được thực hiện đầy đủ, đa dạng hơn. Yêu cầu duy nhất đặt ra với Bảo tàng: Cuộc trưng bày không nên sa vào thái độ phê phán, gây hiểu lầm.

“Đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi, nhưng cũng là một mâu thuẫn khó giải quyết. Bởi, nếu không nhìn rõ những hạn chế và bất cập của thời bao cấp, người xem sẽ không thể trả lời câu hỏi: Vì sao cuộc Đổi Mới diễn ra như một tất yếu lịch sử?” – PGS Huy kể.

Rất nhiều bàn cãi được đặt ra với PGS Huy và các cộng sự, đặc biệt là khi triển lãm đi vào giai đoạn chuẩn bị dàn dựng trưng bày. Cuối cùng, “chìa khóa” được chọn: Không một phân tích, một nhận xét có tính phủ định nào được đưa lên các pano thuyết minh. Thay vào đó, các hiện vật cần được chuẩn bị thông tin đầy đủ để “kể chuyện”  và giúp người xem tự rút ra cảm nhận cho mình.


Cảnh xếp hàng tại cửa hàng lương thực. Ảnh: NVCC

“Giã từ quá khứ bằng một nụ cười”

Những hiện vật biết “kể chuyện” ấy là hòn đá có khắc tên riêng, vẫn được ông Mai Xuân Hải (cán bộ Viện Hán Nôm) sử dụng để xếp hàng khi đi mua lương thực. Là chiếc xe đạp Peugeot còn mới tinh của bà Nguyễn Thị Bạn (233 Âu Cơ), được “khổ chủ” cất vào kho bảo quản, sau khi… xót ruột vì ông cháu nội làm xước sơn. Là bức ảnh chân dung của ông Phùng Huy Mận (123 Hàng Buồm) kèm theo lời chia sẻ rất thật lòng: “ Cái quạt Hitachi Nhật Bản là mơ ước lớn nhất đời tôi. Nhiều lần đi ngủ, mình cũng nằm mơ thấy quạt”.

Và hàng trăm hiện vật khác, với những câu chuyện khác…

“Có lẽ đó là cuộc triển lãm thành công nhất trong những năm tôi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN” – PGS Nguyễn Văn Huy kể - “Thành công tới mức, khi triển lãm chấm dứt sau 12 tháng mở cửa liên tục, tôi dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đầy cảm giác tiếc nuối và muộn phiền”.


Hòn đá xếp hàng của ông Mai Văn Hải. Ảnh: NVCC

Ngay từ khi mở cửa, người xem nườm nượp kéo tới Bảo tàng. Họ chăm chú  nhìn từng hiện vật, đọc rất kỹ từng bài viết, từng lời thoại trên những tấm pano. Đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, điểm chung nhất giữa những gương mặt này lại là… sự hào hứng, tươi cười và tự… bổ sung cho triển lãm bằng những câu chuyện của chính bản thân mình.

Bố mẹ chia sẻ với con - chưa đủ. Ông bà kể chuyện với cháu - cũng chưa đủ. Không quen biết nhau, rất nhiều trong số khách tham quan đã tự quay sang bắt chuyện, trong một sự đồng cảm cực lớn của dòng hồi ức về một thời gian khó. Họ cười với nhau khi thử xếp hàng tại mô hình “Cửa hàng lương thực” của mình. Họ đua nhau kể những câu chuyện về gạo mốc, về bo bo, về sắn khô bán cùng với gạo. Rồi trước “hòn đá xếp hàng” của ông Mai Hải, người ta lại đến lượt mình, kể về những “hòn đá xếp hàng” bằng giày dép, rổ rá, cục gạch trong quá khứ.

“Tại sao, người xem không chua chát mà lại đầy hào hứng, cởi mở và chân tình khi đối diện với quá khứ đầy vất vả của mình?” – PGS Huy kể - “Thậm chí, ở đó có cả sự tự hào nữa, khi nhiều người gặp tôi và chia sẻ rằng nếu bây giờ phải quay lại giai đoạn sống ấy, chắc hẳn khó ai có đủ nghị lực để vượt qua. Đó là một câu hỏi rất khó trả lời”.

Rồi, tự trả lời, ông Huy nhận xét: “Tôi nghĩ, câu chuyện chỉ có thể giải thích bằng sự bao dung và nhân văn vốn có của người Việt Nam. Chẳng phải, chúng ta đã có cả trăm ví dụ về đức tính ấy, ở những khúc quanh của lịch sử?”

Giã từ quá khứ bằng một nụ cười, đó là điều mà triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975-1986 mang lại cho người xem. Và cũng là một bất ngờ thú vị ngoài hình dung của những người trong cuộc.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm