Sử Việt đọc chậm (kỳ 3): Quyền lực hậu cung

14:00 22/06/2020

(lienminhbng.org) - Triều nhà Lý có 2 sự kiện truyền ngôi báu khá ly kỳ. Một là Anh Tông phế Thái tử Long Xưởng mà truyền ngôi cho con thứ là Long Trát. Hai là Huệ Tông truyền ngôi cho con gái. Cả 2 sự việc này đều có liên quan đến hậu cung, khiến hậu thế phải luận bàn.

Sử Việt đọc chậm (kỳ 1): Hội thề & Lễ tuyên thệ nhậm chức của các vua đời Lý

Sử Việt đọc chậm (kỳ 1): Hội thề & Lễ tuyên thệ nhậm chức của các vua đời Lý

LTS: Kể từ số báo này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Sử Việt đọc chậm” của tác giả Tô Như. Đây là các bài viết được xây dựng trên cơ sở bổ chú và tham chiếu các tư liệu lịch sử, từ đó có các kiến giải về một số vấn đề vẫn ít được chú ý trong sử Việt.

Trước tiên ta hãy đi từ việc Lý Thần Tông truyền ngôi cho Anh Tông.

Ba vị phu nhân xin đổi Thái tử

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, 3 phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác...”.

Vốn Thần Tông có người con lớn là Thiên Lộc, nhưng mẹ của Thiên Lộc chỉ là người thiếp nên khi Thần Tông sắp mất, 3 vị phu nhân mới xin với vua lập người con bé là Thiên Tộ, bấy giờ mới lên 3, để không bị người thiếp kia chèn ép.

Lý Thiên Tộ là con bà Cảm Thánh phu nhân họ Lê. Bà chính là cháu của Thái sư Lê Bá Ngọc. Đại Việt sử lược chép bà Lê Thái hậu này mất năm Tân Tỵ (1161), được đặt thụy là Linh Chiếu, tức bà Linh Chiếu Hoàng hậu.

Tuy nhiên sử gia Ngô Thì Sĩ lại cho rằng bà Lê Thái hậu này chính là Chiêu Linh Thái hậu, xuất hiện trong sự kiện năm 1178: “Hết quốc tang. Chiêu Linh Hoàng Thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện...” và sự kiện năm 1182: “Lấy Lý Kinh Tu làm Đế sư, trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm mưu khác nữa”.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì năm Canh Thân (1200) bà mới mất.

Cháu yêu cháu ghét

Trong 37 năm ở ngôi của Anh Tông, sử không ghi chép lại việc lập Hoàng hậu. Duy tới khi vua sắp băng hà thì Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đó, khi vua ốm nặng, Hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: Làm con bất hiếu còn trị dân sao được... Bấy giờ Thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Lữ thị”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng trong đoạn sử này vừa xuất hiện “Hoàng hậu” lại xuất hiện cả “Thái hậu”, cho nên vốn cùng chỉ một người. Còn sử gia Ngô Thì Sĩ thì đoán rằng “Hoàng hậu” vốn là “Hoàng thái hậu” bị chép thiếu chữ, chính là bà Chiêu Linh Thái hậu.

Chú thích ảnh
Đền Rồng (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) - một trong những ngôi đền hiếm hoi thờ Lý Chiêu Hoàng

Sau khi Long Trát lên ngôi, tức Lý Cao Tông, vua “tôn mẹ là Đỗ Thị làm Chiêu Thiên Chí Lý Hoàng thái hậu”. Như vậy trong thời Cao Tông có tới 2 bà Thái hậu: bà Chiêu Thiên Đỗ Thị, và bà Chiêu Linh Lê Thị đã nhắc tới ở trên. Bà Chiêu Linh không thể là vợ của Anh Tông bởi khi lập Long Trát làm Thái tử thì Anh Tông chưa mất, vợ của ông chưa thể được tôn làm Thái hậu. Vậy là trong sự kiện chọn Long Xưởng hay Long Trát, người muốn can thiệp vào quyết định của nhà vua chính là mẹ của vua, bà nội của Long Xưởng và Long Trát, chứ không phải cuộc chiến giữa các bà phu nhân.

Trong 3 sự kiện: Đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông để sửa chiếu của Thần Tông mà lập Thiên Tộ; đút lót Vũ Đái để cứu mạng tình nhân là Đỗ Anh Vũ; đút lót vợ Tô Hiến Thành để mong lập Long Xưởng, cùng một thủ đoạn dùng vàng bạc mua chuộc đại thần, thì cũng có thể xuất phát từ cùng một Lê Thị như sử gia Ngô Thì Sĩ nhận định lắm chứ!

Chọn con gái chứ không chọn cháu trai

Sự kiện Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái quả là độc nhất vô nhị trong suốt lịch sử nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Giáp Thân, năm thứ 14 (1224)... Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn... Mùa Đông, tháng 10, xuống chiếu lập Công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ nhất, tôn hiệu là Chiêu Hoàng”.

Người đời sau căn cứ vào đó để cho rằng quan Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ là người đạo diễn ra toàn bộ màn kịch lập Công chúa Chiêu Thánh lên làm Thái tử, rồi truyền ngôi báu, dẫn tới kết quả Chiêu Hoàng nhường lại ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra triều đại nhà Trần.

Vấn đề đặt ra là: Thứ nhất, tại sao Huệ Tông lại chọn truyền ngôi cho con gái mà không chọn một cháu trai trong họ? Thứ hai, Trần Thủ Độ có thực sự quyền lực tới mức chi phối được quyết định của Huệ Tông lúc đó không?

Xét về phương diện quan chức, Trần Thủ Độ là Điện tiền Chỉ huy sứ, nghĩa là chức quan phụ trách cấm binh lo việc trị an kinh thành. Phía trên Thủ Độ có Trần Thừa là Phụ quốc Thái úy, tương đương chức quan Tể tướng, ngoài ra Đại Việt sử lược còn chép một số quan đại thần trong triều như quan Tả phụ Nguyễn Chánh Lại, quan Nội thị Phán thủ Phùng Tá Chu, Nội hành khiển Tả ty Lang trung Trần Chí Hoành. Cứ như vậy mà xét thì chưa tới phiên Điện tiền Chỉ huy sứ là Trần Thủ Độ quyết định được việc Huệ Tông chọn Thái tử.

Chú thích ảnh
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng

Vả lại, nếu Trần Thủ Độ quả là đầu não trong việc diệt triều Lý lập triều Trần, thì Trần Bất Cập là cháu gọi Thủ Độ bằng chú, cũng được đưa vào cung cùng với Trần Cảnh mới là ứng viên nặng ký cho vị trí chồng của Nữ hoàng.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại chép: “Bấy giờ Hoàng hậu Trần Thị sinh được 2 công chúa, công chúa thứ hai là Phật Kim, nhà vua yêu lắm, định lập làm con kế tự, bèn ban cho nàng 24 lộ trong nước để làm ấp thang mộc”. 24 lộ tức là toàn bộ Đại Việt bấy giờ, bởi năm Nhâm Ngọ (1222), nhà Lý chia nước làm 24 lộ. Ý chừng Huệ Tông yêu Phật Kim lắm, nên đem cả nước mà truyền cho. Việc này không liên quan gì tới người ngoài cả.

Nhưng yêu thương là một nhẽ, cơ nghiệp tổ tông lại là một nhẽ khác. Xưa kia Nhân Tông từng lấy con trai của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán làm con mình, lập làm Thái tử và truyền ngôi cho. Sùng Hiền hầu, qua việc chỉ mang tước hầu thì biết chỉ là em cùng cha khác mẹ với Nhân Tông chứ không phải dòng chính. Tại sao Huệ Tông lại không học theo tổ tiên mình?

Tôi cho rằng có bàn tay của Hoàng hậu Trần Thị nhúng vào. Trần Thị là em của Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Bấy giờ Trần Thừa đang giữ chức Phụ quốc Thái úy, họ Trần cũng nhiều người nắm đại quyền trong triều. Chắc chắn Hoàng hậu Trần Thị cũng tính toán trong lòng để xem làm sao có lợi cho mình và họ tộc nhất.

Về quyền lực của hậu cung nhà Lý, qua 2 phần trên đủ cho ta thấy tiếng nói của Hoàng thái hậu và Hoàng hậu rất có trọng lượng trong việc chọn người kế vị. Hoàng hậu của Huệ Tông cũng không ngoại lệ, nhất là khi bà lại được vua sủng ái đặc biệt, tới mức mê muội.

Quan hệ của Trần Thị với hoàng thất lại không được tốt. Khi còn chưa được lập làm hậu, Hoàng thái hậu mẹ của Huệ Tông đã mấy lần muốn ám hại bà. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nửa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho...”.

Trên một phương diện khác, Hoàng tộc nhà Lý bấy giờ bị giết khá nhiều, vừa do làm phản, vừa do phe họ Trần thanh trừng. Từ đời Anh Tông, có 2 Hoàng tử thì Long Xưởng có tội bị phế; sang đời Cao Tông thì con thứ là Hoàng tử Thầm được Quách Bốc tiếm lập làm vua ngay khi vua cha còn tại thế. Anh em họ hàng phản trắc như thế, hẳn là Huệ Tông và Hoàng hậu không dám nhờ cậy mà truyền cho ngôi báu.

Mùa Đông năm Giáp Thân (1224), Chiêu Thánh Công chúa lên ngôi khi mới 7 tuổi. Vua còn bé, Thượng hoàng thì bỏ tới ở chùa Chân Giáo mà tu, theo lẽ thường Thái hậu buông rèm nhiếp chính, tuy sử không chép nhưng đoán chừng phải là như vậy.

Về điều này, sử gia Ngô Thì Sĩ có bàn rằng: “Còn con gái là Chiêu Thánh, tuy làm Hoàng hậu, nhưng chưa có con, nhỡ ra trong cung có người khác sinh Hoàng tử. Thái Tông (Trần Cảnh) một mai mất đi, rồi lại có người noi theo việc làm của mình rủ rèm nghe chính sự, lại đem nước trao cho người thân thì sẽ xử trí thế nào?”. Cứ vậy mà suy thì việc Thái hậu Trần Thị của Huệ Tông buông rèm nghe chính sự cũng là việc có thật.

Như thế cái việc lập Chiêu Thánh, truyền Trần Cảnh, đều có bàn tay của Trần Thị nhúng sâu, khó mà khác được.

(Còn tiếp)

Tô Như

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự